Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ mang thai cần chú trọng tiêm vắc xin phòng uốn ván

07:49, 31/03/2024

Trong thời kỳ mang thai, ngoài việc duy trì lối sống khoa học, có chế độ dinh dưỡng phù hợp thì việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho cả thai phụ và thai nhi là rất quan trọng, đặc biệt là tiêm phòng uốn ván.

Bệnh uốn ván còn được gọi là phong đòn gánh, là chứng bệnh gây co giật, căng cứng cơ do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Vi khuẩn uốn ván có mặt ở khắp nơi trong môi trường sống, có thể lây nhiễm vào người khỏe qua vết thương hở. Đặc biệt, khả năng sinh tồn của vi khuẩn uốn ván rất mạnh. Đun sôi, tiệt trùng trong thời gian dài vẫn có khả năng không loại bỏ được vi khuẩn uốn ván một cách triệt để.

Theo các bác sĩ, uốn ván là một trong những bệnh nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong. Triệu chứng của bệnh uốn ván là những cơn co cứng cơ kèm đau đớn, trước tiên ở các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy, sau lan ra cơ thân. Uốn ván là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo rằng, tất cả phụ nữ đang ở độ tuổi sinh sản (kể cả có đang mang thai hay không có thai) nhất thiết phải tiêm phòng uốn ván để tạo kháng thể bảo vệ cả mẹ và con nếu không may bị vi khuẩn uốn ván tấn công.

Phụ nữ mang thai nên chủ động tiêm vắc xin phòng uốn ván để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Ảnh: Đình Thi

Hiện nay, tuy y học đã nghiên cứu được huyết thanh chống uốn ván và các phương pháp hồi sức hiện đại nhưng việc điều trị uốn ván chưa có kết quả tốt, tỷ lệ tử vong vẫn lên tới 80%. Bệnh phân bố khắp các tỉnh thành trong cả nước, ai cũng có thể mắc và có thể gặp ở bất cứ mùa nào trong năm. Đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, nhất là ở những địa phương có số người tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng ít thì tỷ lệ nhiễm bệnh càng cao.

Bác sĩ CKII Trần Ngọc Thắng, Phó Trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây nguyên) cho biết, ở phụ nữ mang thai, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở theo đường sinh dục và gây uốn ván tử cung. Còn đối với trẻ sơ sinh, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập tại vị trí cắt và buộc dây rốn, dẫn đến nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh. Một khi các vi khuẩn uốn ván tấn công vào cơ thể, chúng sẽ sản xuất một loại độc tố tên là tetanospasmin đi vào máu. Độc tố này khiến trẻ bị suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Do đó, ở độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ nên tiêm phòng uốn ván để bảo vệ toàn diện cho mẹ và bé, chuẩn bị cho thời điểm chuyển dạ sinh con.

Tiêm uốn ván giúp người mẹ tự tạo kháng thể trước, tránh lây nhiễm và mắc bệnh khi chuyển dạ. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng cũng hỗ trợ cho trẻ hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng uốn ván sau khi sinh. Vắc xin uốn ván cho phụ nữ mang thai đã được kiểm định an toàn cho mẹ và bé, không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Việc tiêm phòng vắc xin uốn ván có thể khiến mẹ bị sưng đau tại vị trí tiêm song đây chỉ là những phản ứng phụ không quá nghiêm trọng, sẽ tự khỏi sau một vài ngày mà không cần sử dụng thuốc.

Lịch tiêm phòng vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai được Bộ Y tế hướng dẫn trong Thông tư 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017

1. Đối với người chưa tiêm hoặc chưa rõ tiền sử tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản: Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu; lần 2: Ít nhất 1 tháng sau lần 1; lần 3: Ít nhất 6 tháng sau lần 2 hoặc kỳ có thai lần sau; lần 4: Ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc kỳ có thai lần sau; Lần 5: Ít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc kỳ có thai lần sau.

2. Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản: Lần 1: Khi có thai lần đầu; lần 2: Ít nhất 1 tháng sau lần 1; lần 3: Ít nhất 1 năm sau lần 2.

3. Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại: Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu; lần 2: Ít nhất 1 năm sau lần 1. 

Các trường hợp cần tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng.

Ngọc Lan - Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc