Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo khoa học “Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội – 5 năm xây dựng và phát triển”

18:21, 07/03/2024

Chiều 7/3, Trường Đại học Luật Hà Nội phân hiệu tại Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội – 5 năm xây dựng và phát triển”.

Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk (Phân hiệu) được thành lập theo Quyết định số 310/QĐ-BGDĐT ngày 12 tháng 2 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sự ra đời của Phân hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đồng thời thực hiện hiệu quả chủ trương rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Qua 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, Phân hiệu đã và đang tổ chức, quản lý đào tạo 24 lớp với 1.101 sinh viên, học viên. Trong đó 9 lớp đại học chính quy với 691 sinh viên; 4 lớp đại học văn bằng 2 vừa làm vừa học với 137 học viên; 2 lớp đại học vừa làm vừa học văn bằng 1 với 53 học viên; 3 lớp liên thông đại học vừa làm vừa học với 95 học viên; 6 lớp cao học với 124 học viên.

Bên cạnh những thuận lợi, Phân hiệu cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội, tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động Phân hiệu đã đoàn kết, chủ động sáng tạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Tiến sĩ Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tiến sĩ Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về một số vấn đề như: Kiện toàn đội ngũ giảng viên Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hoàn thiện cơ sở vật chất của Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay; Đào tạo trình độ đại học tại Phân hiệu Đắk Lắk phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực Tây Nguyên; Đào tạo trình độ sau đại học tại Phân hiệu Đắk Lắk phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên; Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội và việc nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực Tây Nguyên; Hợp tác trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên và Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk; Một số giải pháp phát triển Phân hiệu góp phần khẳng định vị thế của trường Đại học Luật Hà Nội trong đào tạo nguồn nhân lực pháp luật ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Đại biểu trình bày tham luận Đào tạo trình độ sau đại học tại Phân hiệu Đắk Lắk phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên.
Đại biểu trình bày tham luận "Đào tạo trình độ sau đại học tại Phân hiệu Đắk Lắk phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên".

Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần điều chỉnh, định hướng phát triển Phân hiệu trong thời gian tới. Qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho Ngành Tư pháp và đất nước, hướng tới xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật.

Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội trao Giấy khen tặng các cá nhân xuất sắc.
Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội trao Giấy khen tặng các cá nhân xuất sắc.

Dịp này, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 30 cá nhân thuộc Phân hiệu đã có thành tích trong xây dựng và phát triển nhà trường.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.