Khi phụ nữ là “điểm tựa” cho người yếu thế
Bằng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và tinh tế trong công việc, những nữ trợ giúp viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã trở thành “điểm tựa” góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế…
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, chuyên ngành Luật kinh doanh, năm 2013, chị Phan Thị Thu (SN 1988) về nhận công tác tại Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh. Sau 4 năm công tác, trải qua các lớp đào tạo nghề luật sư, các kỳ sát hạch nghiệp vụ của Cục TGPL, năm 2017, chị Thu chính thức trở thành trợ giúp viên pháp lý.
Chị Thu chia sẻ: “Với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của những đối tượng được TGPL trong các vụ án, bản thân không chỉ giải thích cho họ về những quyền được pháp luật bảo đảm mà còn giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Mới đây, với tư cách bào chữa và đòi quyền lợi cho một bé gái chưa đủ 14 tuổi bị xâm hại tình dục diễn ra trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tôi đã đưa ra nhiều tình tiết để bảo vệ đương sự trước tòa, yêu cầu đối tượng xâm hại phải bồi thường cho bị hại ở mức tối đa theo quy định”.
Chị Thu hiện có hai con nhỏ, chồng làm kiểm lâm ở tỉnh Đắk Nông nên thường xuyên phải xa nhà, thêm vào đó, đặc thù của công việc là phải tiếp cận những người được TGPL kể cả ở vùng sâu, vùng xa, tham gia thực nghiệm hiện trường các vụ án bất kể thời gian, địa điểm nên để bảo đảm chu toàn cả việc nước lẫn việc nhà với chị càng vất vả. Và động lực để những người trợ giúp viên pháp lý như chị Thu vượt qua những khó khăn, gắn bó với nghề chính là niềm vui giúp những người yếu thế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (bìa phải) tiếp nhận đơn đề nghị trợ giúp pháp lý tại Trung tâm. |
Còn đối với chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1991), là trợ giúp viên pháp lý trẻ nhất của Trung tâm, để bình tĩnh, tự tin bảo vệ cho đương sự tại tòa, chị đã không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp.
Mới đây, chị Trang đã nhận TGPL cho một ly hôn, chia tài sản với đối tượng được TGPL là người bị nhiễm chất độc da cam…
Chị Trang cho hay: “Khi tiếp cận, đương sự rất khó làm việc, hai vợ chồng không có tiếng nói chung, chỉ cần gặp nhau là mâu thuẫn. Sau thời gian tìm hiểu, chia sẻ và trợ giúp, khi phiên tòa diễn ra, tôi cùng với một trợ giúp viên khác đã “gỡ nút thắt” trong mối quan hệ của đương sự, giúp cả nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận thành công, nhất là về vấn đề con chung và tài sản. Và sau 7 năm không mở lời với nhau, trong khoảng thời gian tòa ra quyết định ly hôn và phân chia tài sản, họ đã chịu chuyện trò với nhau như những người bạn. Có lẽ đó chính niềm vui, là động lực để những người trợ giúp viên pháp lý gắn bó với nghề”.
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết, hiện Trung tâm có 6/14 trợ giúp viên pháp lý là nữ. Mỗi năm, trung bình một nữ trợ giúp viên đảm nhận khoảng 40 vụ án liên quan đến mua bán người, xâm hại tình dục, trong đó, người bị hại chủ yếu là trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật…
Để tiếp cận, tìm hiểu, trợ giúp viên pháp lý phải kiên trì, tinh tế khi giao tiếp. Chưa kể, trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, TGPL cho người dân, dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, trong đó, có những chuyến đi dài ngày, đối với trợ giúp viên pháp lý là nữ giới cũng khó khăn hơn khi họ phải sắp xếp và chu toàn việc gia đình. Cho nên, để gắn bó, ngoài việc trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, họ phải luôn giữ được ngọn lửa đam mê, tình yêu đặc biệt với nghề.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc