Multimedia Đọc Báo in

“Lên đời" cho sen đá

06:21, 10/03/2024

Không còn nằm trong những chiếc chậu nhỏ được đặt trên ban công hay bàn làm việc, giờ đây sen đá đã khoác lên "màu áo mới" và xuất hiện trong nhiều dịp quan trọng như lễ cưới, tiệc khai trương…

Sen đá là loài cây ưa nắng, thường sống ở các vùng đất khô cằn, thiếu chất dinh dưỡng và khô nóng như sa mạc, vùng núi đá... Lá cây dày, mọng đã giúp chúng duy trì sự sống qua những ngày hạn kéo dài. Từ sức sống mãnh liệt của loài cây này mà con người ta gửi gắm vào đó những ước mơ, hy vọng về một thứ tình cảm bất diệt, trường tồn với thời gian.

Do những đặc điểm sinh học đó, sen đá mang ý nghĩa như loài hoa tượng trưng cho tình yêu bền vững, trọn đời không thay đổi và được nhiều người chọn làm loại hoa chủ đạo trong đám cưới hay quà tặng trong những dịp đặc biệt.

Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh hoa tươi, chị Nguyễn Thị Trà My (28 tuổi, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, hoa cưới làm từ sen đá có nhiều ưu điểm hơn so với hoa cưới truyền thống.

“Chứng kiến nhiều cô dâu gặp vấn đề về bó hoa cưới của mình, nhất là những buổi lễ diễn ra ngoài trời hay chụp hình ngoại cảnh, hoa tươi thông thường sẽ bị héo, dập và không chịu được nắng nóng, nên tôi đã tìm tòi, học hỏi làm hoa cưới từ sen đá và được nhiều khách hàng hồ hởi đón nhận”, chị My tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Trà My sơ chế sen đá để chuẩn bị làm hoa cưới.

Chị Nguyễn Thị Tố Loan (28 tuổi, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) vui vẻ chia sẻ: “Vì đã yêu thích sen đá từ lâu nên khi nhìn thấy loài cây này được kết thành hoa cưới, tôi đã quyết định lựa chọn chúng trong ngày trọng đại của mình. Không chỉ gia đình mà khách tới dự đám cưới đều tò mò thích thú và dành nhiều lời khen cho bó hoa đặc biệt này”.

Theo chị Trà My, khi làm một bó hoa từ sen đá, yêu cầu người thợ phải có sự tỉ mỉ để không làm ảnh hưởng tới chất lượng và thẩm mỹ của cây. Sau khi chuyển sen đá đạt yêu cầu ra khỏi giá thể, chị sẽ tiến hành loại bỏ bớt rễ và cố định cây vào trong một thân tre bằng băng dính chuyên dụng rồi mới tiến hành bó.

Để cho ra một sản phẩm đạt yêu cầu về thẩm mỹ phải mất từ 1 - 2 giờ tùy theo độ phức tạp của mẫu khách hàng yêu cầu. Trong quá trình chưng hoa từ 10 – 15 ngày, sen đá đã tự ra rễ non, khách hàng chỉ cần tháo lớp băng dính sau đó chuyển cây vào chậu và trồng trong loại đất trộn dành cho sen đá.

Đam mê sen đá hơn 5 năm, vợ chồng chị Trần Thị Huyền My (32 tuổi, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã tự tạo lập một cửa hàng rộng hơn 200 m2 với gần 300 chủng loại sen đá.

Chị Huyền My chia sẻ: “Lúc đầu, tôi chỉ thử làm một vài bó hoa từ sen đá để trưng bày và may mắn được nhiều khách hàng quan tâm, đặt sản phẩm về làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Trong suốt hai năm qua, tôi đã đưa tới tay người tiêu dùng hàng trăm bó hoa thành phẩm”.

Những bó hoa từ sen đá của chị Trần Thị Huyền My được nhiều khách hàng đặt làm quà tặng trong dịp lễ.

Để sản phẩm bắt mắt, rực rỡ hơn, chị còn sử dụng thêm sơn màu chuyên dụng xịt lên cánh hoa mà không gây ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây. Sau khi ra mầm mới, sen đá sẽ tiếp tục phát triển với màu sắc nguyên bản.

Nhận được sự ủng hộ của đông đảo khách hàng, chị Huyền My tiếp tục cho ra mắt nhiều sản phẩm độc đáo từ loài cây này như lẵng hoa sen đá để bàn, tháp hoa sen đá... Đặc biệt trong dịp lễ 8/3, số lượng đặt hàng tăng liên tục, cửa hàng của chị có thể cung cấp từ 7 – 10 bó/ ngày để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh.

“Thông thường, một cây sen đá sẽ có giá từ 5 - 60 nghìn đồng. Khi “hô biến” thành những bó hoa rực rỡ, giá trị của sen đá được tăng lên gấp nhiều lần, trung bình một bó hoa sẽ có giá dao động từ 50 - 500 nghìn đồng tùy vào số lượng hoa được dùng và mẫu mà khách yêu cầu”, chị Huyền My cho hay.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.