Multimedia Đọc Báo in

Bánh củ cải của người Hoa

07:28, 07/04/2024

Mỗi dịp giỗ chạp hay Tết đến, cộng đồng dân tộc Hoa ở miền Tây Nam Bộ thường làm món bánh củ cải để cúng tổ tiên.

Đây là loại bánh truyền thống của người Hoa Triều Châu trông giống như bánh đúc mặn của người Kinh, và khi thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng không lẫn với các loại bánh khác.

Nguyên liệu chính cần chuẩn bị là: bột gạo, bột mì tinh, củ cải trắng, tôm khô (loại nhỏ), thịt nạc dăm, đậu phộng, hành tím, ngò rí, cùng gia vị khác (đường, muối, bột ngọt).

Bánh củ cải hấp.

Trước hết, củ cải trắng gọt vỏ, rửa sạch bào thành sợi mỏng, vắt nước, để ráo. Thịt nạc dăm rửa sạch, xắt hạt lựu, tôm khô ngâm nước, vớt ra để ráo, đậu phộng luộc chín, hành tím lột vỏ, xắt miếng mỏng. Phần ướp thịt tuần tự các bước: Cho gia vị (muối, đường, bột ngọt) vào thịt ướp vừa khẩu vị. Bắc chảo lên bếp phi hành tím với dầu (mỡ) thơm, rồi cho tôm khô, đậu phộng luộc cùng thịt đã ướp vào xào chín, để ra tô.

Riêng phần pha bột là khâu quan trọng quyết định chất lượng của món ăn. Hỗn hợp bột gạo, bột mì tinh phải pha theo tỷ lệ 4/1 (4 bột gạo + 1 bột mì tinh) cùng một ít gia vị (ít nước + muối + đường) vừa khẩu vị; cho tất cả hỗn hợp đã xào chín vào thau trộn đều. Khi hỗn hợp đã sơ chế xong, chuẩn bị khuôn đổ bánh, nhớ thoa một ít dầu ăn vào khuôn để bánh không dính khuôn. Cuối cùng, đổ nước vào xửng (cỡ 1/3), bắc xửng lên bếp nấu sôi. Đổ bột vào khuôn cho vào xửng hấp cách thủy. Khoảng 10 phút bột vừa chín tới, dỡ xửng ra rắc một ít ngò rí lên mặt bánh, và dùng muỗng ấn ngò rí xuống bột cho dính, đậy nắp xửng lại khoảng 15 phút sau bánh chín.

Chờ nguội lấy bánh ra xắt thành từng miếng hình thoi (hay hình chữ nhật tùy ý) cho vào dĩa. Món bánh này ăn kèm với nước tương xí muội (hay nước tương cay chua ngọt) mới ngon. Và, nếu thích chiên bánh với một ít dầu càng ngon hơn!

Hữu Tường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.