Multimedia Đọc Báo in

Chằng chịt "ổ gà, ổ voi" đường vào Khu công nghiệp Hòa Phú

07:35, 21/04/2024

Dù chỉ một đoạn ngắn nhưng đường vào Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) có rất nhiều “ổ gà, ổ voi” như những cái bẫy trên đường, tai nạn luôn rình rập người tham gia giao thông.

Đường trục chính vào KCN Hòa Phú dài khoảng 2 km, vừa là tuyến đường đi lại của công nhân lao động làm việc trong KCN, vừa là đường dân sinh nên lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông rất cao. Tuy nhiên, đoạn đường này bị hư hỏng từ nhiều năm nay khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp cũng như nông sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ghi nhận của phóng viên, mặt đường bị bong tróc, đá dăm lồi lõm, có một số vị trí bị khoét sâu, tạo thành những “ổ voi” chiếm hết mặt đường. Mùa khô, người tham gia giao thông còn thấy “ổ gà, ổ voi” mà né, còn mùa mưa thì vừa đi vừa phải “mò” đường để hạn chế tai nạn.

Bà Trần Thị Tuyết ở thôn 12, xã Hòa Phú có nhà cạnh con đường này cho hay, gia đình bà sinh sống và kinh doanh buôn bán ở đây hơn 10 năm nay. Tuyến đường vào KCN hư hỏng nặng nên ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày của người dân dọc hai bên đường.

Vào mùa khô bụi bay mù mịt, nhà cửa, vật dụng bị bụi bám dày, dù đã dùng bạt che chắn và tưới nước nền đường thường xuyên nhưng không ăn thua. Còn mùa mưa đến, đoạn đường lúc nào cũng nhầy nhụa bùn đất, có một số vị trí tạo thành hố sâu như ao.

Trước đây, gia đình bà mở quán bán nước giải khát, cà phê nhưng hiện nay phải đóng cửa vì không có khách; giờ mở dịch vụ ăn uống nhưng cũng ế ẩm vì đường sá đi lại khó khăn.

"Ổ gà" xuất hiện chi chít trên mặt đường trục chính vào Khu công nghiệp Hòa Phú.

Không chỉ người dân, hàng nghìn công nhân làm việc tại KCN Hòa Phú đều chung nỗi bất an khi di chuyển qua đoạn đường này.

Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân tại KCN Hòa Phú cho hay, đường từ phòng trọ đến KCN dù chỉ một đoạn ngắn nhưng mỗi lần di chuyển qua chị đều cảm thấy rất lo lắng. Người đông, xe tải lớn rất nhiều, nhất vào giờ tan ca phải nhích từng tí khi qua đoạn đường hư hỏng.

Ái ngại nhất là vào mùa mưa, trong cốp xe khi nào cũng phải chuẩn bị một bộ đồ dự phòng để lỡ có té xe, hoặc bị văng bùn nước vào người thì còn có cái để thay.

Trước thực trạng đó, hằng năm một số doanh nghiệp hoạt động trong KCN Hòa Phú đều bỏ tiền ra mua đá dăm để lấp “ổ gà, ổ voi” nhưng chỉ được một thời gian ngắn đâu lại vào đó. Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, với mong muốn bảo đảm an toàn cho công nhân lao động, đảm bảo việc hàng hóa, vật tư được vận chuyển thông suốt, đơn vị đã nhiều lần bỏ tiền ra để “vá” tạm đường nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Được biết, đường giao thông trục chính vào KCN Hòa Phú được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 19/3/2021. Mục tiêu của dự án giải quyết được vấn đề về giao thông, thu hút đầu tư vào KCN, khu vực thủy điện Buôn Kuốp, từng bước hình thành khu đô thị dịch vụ mới hiện đại - xanh - văn minh.

Đây là dự án thuộc nhóm C, tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án).

Những cái hố sâu hoắm choán hết mặt đường, việc lưu thông qua đây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Nguyễn Quốc Đồng cho biết, triển khai Dự án Đường trục chính vào KCN Hòa Phú có 84 hộ, với 84 thửa đất bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi khoảng 16.806 m2.

Hiện nhà thầu đã thi công được khoảng 1,4 km đoạn cuối tuyến, hạng mục cầu đang được triển khai. Quá trình thực hiện Dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên tiến độ còn chậm.

Đến thời điểm hiện tại UBND TP. Buôn Ma Thuột chưa phê duyệt, thông báo giá đất nên Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chưa có cơ sở để phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.