Multimedia Đọc Báo in

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt: Cần lộ trình dài hơi

10:32, 10/04/2024

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ngành BHXH tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Nhiều tiện ích không dùng tiền mặt

Song song với chi trả bằng tiền mặt, đến nay, ngành BHXH đã chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng. Với phương thức này, hằng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả nhưng vẫn được đảm bảo chi trả đúng thời hạn.

Đối với người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp, phương thức chi trả không dùng tiền mặt không chỉ đảm bảo người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, an toàn mà còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho người lao động... Với cơ quan chi trả, phương thức này cũng giúp bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ; tránh được sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả...

Nhân viên Bưu điện TP. Buôn Ma Thuột chi trả lương hưu bằng tiền mặt cho người dân.

Hiện nay, quy trình chi trả qua tài khoản được thực hiện thống nhất tại tất cả các địa phương theo quy định: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng được bưu điện chuyển tiền vào tài khoản cá nhân ngay trong ngày hoặc chậm nhất là ngày làm việc kế tiếp kể từ khi nhận được danh sách chi trả từ cơ quan BHXH. Người lao động, thân nhân người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe được cơ quan BHXH phối hợp với ngân hàng nơi người hưởng mở tài khoản, đối chiếu thông tin, số hiệu tài khoản để chi trả ngay cho người hưởng. Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp thì tháng đầu tiên được cơ quan BHXH chuyển tiền ngay khi nhận được danh sách chi trả; từ tháng hưởng trợ cấp thứ hai, chuyển tiền trong vòng 5 ngày kể từ ngày bắt đầu theo danh sách chi trả.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Để đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt, BHXH thị xã Buôn Hồ đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị hướng dẫn, tư vấn cho người dân biết được những lợi ích khi chuyển đổi mô hình chi trả qua tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, công tác vận động vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: đối tượng nhận lương hưu là người lớn tuổi không thể thực hiện các thao tác rút tiền tại các trụ ATM, hệ thống ATM chưa phát triển rộng, nhất là ở khu vực nông thôn, việc nhận tiền mặt tại các điểm chi trả đã trở thành thói quen... Do đó, đến nay tổng số người đang được BHXH thị xã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng là 1.408 người, trong đó chỉ có 644 người nhận tiền qua tài khoản.

Cán bộ BHXH thị xã Buôn Hồ giải quyết chế độ, chính sách cho người tham gia.

Tại huyện Krông Bông hiện có 519 người nhận tiền qua tài khoản trên tổng số 844 người đang nhận lương hưu và trợ cấp BHXH. Ông Vũ Đình Đề (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) chia sẻ: "Vẫn biết là việc chuyển đổi chi trả lương hưu qua tài khoản rất tiện lợi, có thể rút tiền tại bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời gian nào nhưng do đã cao tuổi, việc sử dụng các dịch vụ tài khoản không được như lớp trẻ nên tôi vẫn thích nhận tiền mặt. Hơn thế nữa, mỗi tháng đến ngày đi nhận lương hưu, những người già như chúng tôi lại có cơ hội gặp mặt chuyện trò rất vui nên không muốn thay đổi hình thức nhận lương hưu".

Thực tế cho thấy, những người nhận lương hưu và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội chủ yếu là người yếu thế, người cao tuổi. Bên cạnh đó, vì đặc thù, điều kiện ở mỗi vùng miền, nhất là vùng nông thôn khó khăn là những trở ngại khiến việc chi trả không dùng tiền mặt hiện nay đang gặp khó… Chính vì thế, muốn khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH nhận qua tài khoản cá nhân thì bên cạnh việc triển khai các biện pháp vận động người dân mở tài khoản cá nhân đòi hỏi phải có lộ trình phát triển mô hình đại lý ngân hàng, kênh phân phối hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, nhất là ở các vùng chưa có hoặc ít có dịch vụ ngân hàng, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.