Chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng
Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là người già và trẻ em.
Gia tăng bệnh nhân nhập viện
Bà Vi Thị Lỳ (70 tuổi, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) bị rất nhiều bệnh nền như viêm phổi, hen, viêm phế quản, đau xương khớp. Vào những ngày nắng nóng vừa qua, bà xuất hiện những cơn đau tức, khó thở nên phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bà Lỳ cho hay, thời tiết từ dịu mát chuyển sang nắng nóng đột ngột ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bà. Tuổi cao, sức yếu, cộng với sự khắc nghiệt của thời tiết nên bà được người nhà cho nhập viện để được chăm sóc, theo dõi kỹ hơn.
Ông Vũ Văn Trình (70 tuổi, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) phải vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị đột quỵ lần thứ ba.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Hoan (vợ ông Trình), trước đó ông đã trải qua hai lần đột quỵ, kèm theo bệnh nền cao huyết áp nên sức khỏe rất yếu.
“Những ngày nắng nóng kéo dài khiến người khỏe mạnh cũng không chịu nổi huống gì người lớn tuổi. Mấy ngày trước, trời nắng gắt, oi bức, chồng tôi mệt mỏi và có dấu hiệu của tai biến mạch máu não nên gia đình đưa đi nhập viện, may mắn là được điều trị kịp thời nên hiện sức khỏe đang dần ổn định”, bà Hoan chia sẻ.
Người cao tuổi, có bệnh lý nền nhập viện điều trị có xu hướng gia tăng, nhất là trong thời điểm nắng nóng kéo dài. |
Không riêng người cao tuổi, trong thời điểm này tại các bệnh viện, trung tâm y tế cũng thường xuyên tiếp nhận các trẻ nhập viện với các bệnh lý truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu, viêm da, sốt phát ban, sốt vi rút, các bệnh lý về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn…
Thạc sĩ, bác sĩ Mai Ngọc Vũ, khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng đã kéo theo nhiều bệnh lý liên quan đến trẻ em, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm. Hiện khoa ghi nhận gia tăng các ca mắc tay chân miệng, bệnh lý về rối loạn tiêu hóa, trung bình mỗi ngày tại khoa khám tiếp nhận các bệnh nhi cả điều trị nội trú và ngoại trú từ 20 - 30 ca mắc tay chân miệng, 50 - 60 ca bệnh lý về rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ Y Sa Muel Bkrông, khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho hay, vài tháng trở lại đây, số bệnh nhân nhập viện có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh lý mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận mạn, viêm loét dạ dày tá tràng, xơ gan. Bên cạnh đó, các ca bệnh cấp tính như đột quỵ cũng gia tăng. Tuy không có biểu hiện rõ ràng nhưng thời tiết nắng nóng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các bệnh nhân có bệnh nền, khiến tình trạng bệnh nặng hơn, phải nhập viện điều trị.
Chủ động bảo vệ sức khỏe
Thông tin từ Sở Y tế, vào mùa nắng nóng, nhiều người gặp phải một số vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Những đối tượng có nguy cơ cao gồm người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức, những người mắc các bệnh mạn tính…
Thời tiết nắng nóng đã kéo theo nhiều bệnh lý liên quan đến trẻ em. |
Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể. Mức độ nhẹ là mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút. Mức độ nặng là đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong.
Nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe của người dân trong mùa nắng nóng, Sở Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 - 16 giờ. Đối với học sinh, hạn chế việc tập thể dục thể thao dưới trời nắng nóng. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột. Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hằng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiểu 1,5 – 2 lít nước/ngày. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
Đối với cách xử trí khi bị say nắng, Sở Y tế cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể: khi bị say nắng ở mức độ nhẹ cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát, tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng. Khi bị say nắng ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc