Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở: Cởi mở trong chọn trường, chọn nghề

08:22, 09/04/2024

Nhằm đem đến những thông tin mới, thiết thực về con đường học tập cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), ngành giáo dục đang tập trung vào các hoạt động hướng nghiệp, định hướng phân luồng đến tận học sinh và phụ huynh.

Nhiều hướng đi

Các trường THCS trên địa bàn đã từng bước thay đổi cách thức tổ chức giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ hình thức đến nội dung.

Theo đó, nhà trường không định hướng 100% học sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) mà có sự phân luồng theo khả năng của các em; dành nhiều tâm huyết, thời gian để thông tin, tư vấn cho một số học sinh chọn trường nghề; từng bước giúp các em hiểu, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho bản thân theo hướng phù hợp với năng khiếu nghề nghiệp và điều kiện kinh tế gia đình …

Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, giới thiệu nghề nghiệp cho học sinh THCS năm 2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuối tháng 3/2024 tại huyện Cư M'gar.

Đơn cử, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) THCS Cư M’gar (huyện Cư M’gar), việc giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép trong các tiết sinh hoạt dưới cờ; mời các nghệ nhân ở địa phương giới thiệu và thực hành làm sản phẩm của một số nghề thủ công truyền thống (làm rượu cần, dệt thổ cẩm, các loại bánh); tổ chức tham quan, trải nghiệm, học tập hướng nghiệp ở các tỉnh lân cận (Khánh Hòa, Phú Yên)…

Cô Phan Thị Minh Lê, giáo viên Ngữ văn kiêm phụ trách hoạt động hướng nghiệp của trường cho hay: “Con đường đến với nghề nghiệp không nhất thiết phải là vào đại học mà tùy theo năng lực, các em hãy mạnh dạn chọn hướng đi phù hợp, có thể học nghề sớm nếu có nhu cầu. Nhưng, để sống được với nghề mình chọn, các em cần phải học”.

 

Năm học 2024 – 2025, dự báo toàn tỉnh có khoảng 31.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 2.000 em so với năm học 2023 - 2024. Ngành giáo dục dự kiến chỉ tiêu vào lớp 10 THPT là hơn 23.000 em, hơn 4.000 học sinh học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, số còn lại sẽ định hướng phân luồng giáo dục nghề nghiệp theo đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

 
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp

Với học lực tốt, em H’Trần Thị Ly Na Mlô, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông DTNT THCS Cư M’gar đang nỗ lực học tập để có thể chọn trường học phù hợp với bản thân, đạt nguyện vọng là thi đỗ lớp 10, Trường THPT DTNT Đam San (thị xã Buôn Hồ), sau đó là vào đại học (ngành sư phạm).

Còn với em H’Oai Mlô, lớp 9A1, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (huyện Cư M’gar) lại lựa chọn học nghề để có thể sớm phụ giúp gia đình. H'Oai Mlô bộc bạch: “Thông qua các hoạt động hướng nghiệp em nhận thấy mình khá phù hợp với nghề nấu ăn. Nếu không đỗ lớp 10 THPT, em sẽ theo học tại một cơ sở giáo dục có dạy nghề liên quan đến chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh”.

Nâng cao nhận thức về phân luồng học sinh sau THCS

Theo Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025", có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học nghề và học văn hóa. Để đạt kế hoạch đề ra, những ngày này Sở GD-ĐT đang tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh, giới thiệu nghề nghiệp cho học sinh THCS năm 2024 tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Tại ngày hội, đại diện học sinh và nhà trường nắm bắt chủ trương mới về tuyển sinh đầu cấp bậc THPT; các cơ sở giáo dục dạy nghề kết hợp với văn hóa; cách lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân; giải đáp thắc mắc liên quan đến chọn trường, chọn nghề…

Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ở bậc THCS phải giúp học sinh có ý thức hướng nghiệp để chọn trường, chọn nghề sau khi tốt nghiệp: học tiếp tại trường THPT hoặc vừa học nghề, vừa học văn hóa; lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện của bản thân…

Ông Đặng Như Thanh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục (Trường Trung cấp Đắk Lắk) thông tin, nếu kết hợp học nghề và học văn hóa (tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn) thì sau 3 năm, các em sẽ có bằng nghề và bằng THPT; được học tiếp lên bậc cao hơn nếu có nhu cầu; được nhận các chính sách hỗ trợ tiền ăn, học phí theo quy định…

Học sinh TP. Buôn Ma Thuột tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, giới thiệu nghề nghiệp cho học sinh THCS năm 2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuối tháng 3/2024.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp cho biết, thời gian tới, ngành tiếp tục nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhà giáo, học sinh, phụ huynh hiểu việc phân luồng học sinh sau THCS rất quan trọng. Mỗi cá nhân, học sinh cần lựa chọn hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, thuận lợi trong học tập và tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Điều này cũng đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp của xã hội đương đại.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.