“Lá chắn thép” bảo vệ bình yên cuộc sống
Không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn có mặt ở tuyến đầu, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Đắk Lắk đã thể hiện được vai trò, vị trí đặc biệt trong công cuộc bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên trên địa bàn.
Phát huy truyền thống anh hùng
Cách đây 50 năm, ngày 15/4/1974, Bộ Công an tổ chức ra mắt lực lượng Cảnh sát bảo vệ. Từ đó, ngày 15/4 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát bảo vệ (nay là CSCĐ).
Năm 1975, sau ngày đất nước giải phóng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Ban An ninh Đắk Lắk tuyển dụng, mở các lớp đào tạo cấp tốc, tiếp nhận lực lượng chi viện của Bộ Công an, nhanh chóng củng cố, sắp xếp, tổ chức biên chế lực lượng Cảnh sát bảo vệ.
Lực lượng Cảnh sát cơ động luôn có mặt trên tuyến đầu trong công tác giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ảnh: Trọng Hiến |
Nhớ lại thời kỳ đầu nhiều khó khăn, gian khổ, Thượng tá Vũ Thành, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát bảo vệ vẫn không giấu được niềm xúc động khi kể về những kỷ niệm của một thời “rực lửa” sát cánh cùng đồng đội. Qua lời kể của ông, những trận chiến đấu cùng đồng đội truy quét FULRO, bắt các đối tượng phản động tàn dư của chế độ cũ, giải quyết tình hình biên giới, biểu tình, bạo loạn năm 2001… được hiển hiện rõ nét. Trong đó, giai đoạn truy quét FULRO ác liệt nhất là những năm 1977 - 1992, không ít đồng đội của ông đã hy sinh hoặc thành thương binh khi tuổi đời còn trẻ…
“Những năm sau đó, các thế lực phản động không còn chống đối quyết liệt mà chuyển sang phương thức, thủ đoạn khác, tinh vi hơn. Lực lượng CSCĐ cũng không ngừng nâng cao chất lượng công tác, sáng tạo, linh hoạt, đáp ứng nhiệm vụ của tình hình mới. Và dù ở thời điểm nào, lực lượng CSCĐ cũng phải tinh nhuệ, kỷ luật tốt, có sức chiến đấu cao. Công tác dân vận rất quan trọng, phải biết dựa vào dân, xây dựng phong trào quần chúng nhân dân ở cơ sở vững mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cùng với thực hiện tốt chính sách dân tộc thì sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao…”, Thượng tá Vũ Thành chia sẻ.
Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động tỉnh ngày càng tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về kỹ, chiến thuật. Ảnh: Hoàng Gia |
Đại tá Trần Bình Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh
|
Trải qua 50 năm xây dựng, trưởng thành, ở mỗi giai đoạn cách mạng, lực lượng CSCĐ luôn làm tốt công tác nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình; kịp thời tham mưu triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp công tác. Đồng thời, bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội…; phối hợp, sát cánh cùng các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh với các đảng phái, tổ chức phản động; trấn áp các loại tội phạm, phối hợp triệt phá nhiều chuyên án lớn; tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều băng, ổ, nhóm, đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật; các vụ tập trung đông người, gây rối, biểu tình, bạo loạn… góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH) tại địa phương.
Ghi nhận những cống hiến, đóng góp của lực lượng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: 1 Huân chương Quân công hạng Ba; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 24 năm đơn vị đạt danh hiệu Quyết thắng; năm 2022 được Bộ Công an tặng Cờ đơn vị tiêu biểu dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc cấp cơ sở; đặc biệt năm 1996 đơn vị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Gắn bó với lực lượng CSCĐ đã 30 năm, Thượng tá Nguyễn Văn Dương, Phó Trưởng phòng CSCĐ Công an tỉnh cho biết: Là địa bàn miền núi, trung tâm khu vực Tây Nguyên, có diện tích rộng, địa hình phức tạp và là nơi sinh sống của 49 dân tộc... nên Đắk Lắk luôn là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự (ANTT).
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch và bọn phản động không ngừng đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Bên cạnh đó, các loại tội phạm về TTATXH tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế, ma túy, giết người, tội phạm sử dụng công nghệ cao…, điều đó đặt ra những trọng trách hết sức nặng nề đối với lực lượng Công an tỉnh nói chung và lực lượng CSCĐ nói riêng.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đơn vị luôn quan tâm đến công tác huấn luyện. Cán bộ, chiến sĩ nỗ lực rèn luyện, đảm bảo về tinh thần, ý chí, các kỹ, chiến thuật của lực lượng theo phương châm “mưu trí, dũng cảm, quyết tâm, không sợ gian khổ”. Đơn vị luôn tổ chức ứng trực cao, sẵn sàng giải quyết những vụ việc phức tạp, có tính chất đông người, gây rối ANTT…
Lực lượng Cảnh sát cơ động tỉnh huấn luyện chống và trấn áp bạo loạn. Ảnh: Nguyễn Gia |
Theo Đại tá Trần Bình Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị và Đề án số 14-ĐA/TU của Tỉnh ủy Đắk Lắk về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó xác định lực lượng CSCĐ là một trong sáu lực lượng được tập trung xây dựng tiến lên hiện đại vào năm 2025, trong thời gian tới Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng trụ sở doanh trại đơn vị, đảm bảo về cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập. Cùng với đó, trang bị vũ khí, phương tiện, trang thiết bị hiện đại; tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giáo dục truyền thống, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, việc chấp hành quy chế, điều lệnh… phù hợp với đặc thù, yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng CSCĐ…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc