Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ hóc dị vật ở trẻ

07:41, 21/04/2024

Bác sĩ Trần Thế Vinh, Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, mặc dù chưa có thống kê cụ thể về trường hợp trẻ hóc dị vật đường thở nhưng hầu như tháng nào Khoa Ngoại tổng hợp cũng tiếp nhận vài trường hợp trẻ ở độ tuổi từ 1 - 10 bị hóc dị vật, như: nuốt đồ chơi, viên bi, cúc áo, ghim bấm, xương, các loại hạt, tăm xỉa răng, cục pin…

Khi bị hóc dị vật, nếu dị vật lớn, gây cản trở đường thở mà không được xử trí kịp thời và đúng phương pháp thì trẻ có thể tử vong ngay tức thì hoặc có thể gây áp xe thực quản khi dị vật rơi sâu vào trong thực quản, biến chứng nhiễm trùng và xuyên thủng các tổ chức. Chẳng hạn nếu dị vật đi vào đường tiêu hóa thì gây tổn thương thực quản, dạ dày, ruột, có thể gây thủng bất cứ chỗ nào, đặc biệt là thủng thực quản - là một trong những biến chứng rất nguy hiểm, gây nhiễm trùng trung thất và có thể tử vong. Nếu dị vật xâm nhập qua đường khí quản vào đến phổi sẽ gây nhiễm trùng trong phổi, áp xe phổi diễn tiến lâu dài rất nặng nề, gây tổn thương chức năng hô hấp kéo dài cả khi dị vật đã được lấy ra.

Người lớn nên để mắt tới trẻ nhỏ. Ảnh: Bảo Trọng

Để phòng ngừa hóc dị vật đường thở ở trẻ, bác sĩ Vinh khuyến cáo: Không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ (như: lego, các loại hạt vòng…) vì trẻ có thể vô tình nhét vào mũi mình hoặc nuốt. Trẻ chỉ nên chơi các đồ chơi có hình khối, kích thước lớn như quả trứng trở lên; các đồ chơi mà trẻ không thể gặm vỡ, hoặc đồ chơi không sắc nhọn gây nguy hiểm. Người lớn nên để mắt tới trẻ nhỏ, không nên để trẻ tự cầm ăn các loại hạt như mắc ca, óc chó, hạt điều, đậu phộng, hạnh nhân, hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương… vì các loại hạt này rất cứng, dễ gây hóc nghẹn. Ngoài ra, các loại hạt có kích thước tròn, nhỏ như hạt bắp, hạt đậu Hà Lan cũng không an toàn để trẻ dưới 3 tuổi cầm nắm. Trẻ có thể vô tình nhét các hạt hoặc vật có kích thước nhỏ vào lỗ mũi của mình dẫn đến nghẹt thở. Ngoài các loại hạt, các loại thạch cũng không an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi. Thạch rất trơn và được sản xuất ở kích thước nhét vừa miệng nên miếng thạch dễ lọt xuống họng trước khi trẻ kịp nhai nhỏ; không để trẻ nhỏ tự ăn thịt chưa tách xương, nhất là nhiều gia đình chủ quan hay cho trẻ nhỏ cầm nắm đùi gà vịt để trẻ tự gặm ăn rất dễ bị hóc xương. Trong khi trẻ ăn, không nên cho trẻ xem điện thoại, xem ti vi hoặc vừa ăn vừa nói, vừa cười… Những việc đó sẽ khiến trẻ mất tập trung và gây hóc, sặc thức ăn.

Các sơ cứu ban đầu khi trẻ hóc dị vật: Nếu trẻ tỉnh táo và có thể ho thì khuyến khích trẻ tiếp tục ho và không thực hiện các biện pháp nào khác. Lưu ý các can thiệp thêm như vỗ lưng, ép bụng và ép ngực có thể gây các biến chứng nguy hiểm và làm cho nạn nhân bị nghẹt thở hơn. Nếu nạn nhân có dấu hiệu tắc nghẽn đường thở nặng và vẫn tỉnh táo, các chuyên gia khuyến nghị cách tiếp cận “năm và năm”, tức 5 lần vỗ lưng và 5 lần ép bụng để sơ cấp cứu. Ở trẻ em, có thể đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc hai đùi của người lớn và vỗ lưng.

Nếu trẻ bị hôn mê, bất tỉnh khi tắc dị vật đường thở, người lớn cần đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn mạnh vào dưới xương ức của trẻ từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Sau đó kiểm tra đường thở, nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục làm lại các bước trên cho đến khi dị vật rơi ra trong khi đợi cấp cứu tới.

Trẻ hóc dị vật đường thở thường hoảng loạn, sợ hãi nên các bậc cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc dị vật hay chữa mẹo dân gian, bởi các hành động này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật mắc sâu hơn, rơi vào những vị trí nguy hiểm, làm niêm mạc bị trầy xước, chảy máu và dễ nhiễm trùng.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.