Multimedia Đọc Báo in

Tiến tới chấm dứt bệnh lao: Cần giải pháp căn cơ

07:31, 17/04/2024

Với hơn 3.500 ca mắc bệnh lao mỗi năm nhưng chỉ có khoảng 1.000 ca bệnh được phát hiện, công tác kiểm soát để chấm dứt bệnh lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nan giải.

60% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện

Trong các năm qua, công tác phòng, chống lao đã được củng cố từ tỉnh đến cơ sở, kể cả trong các trại giam.

Hiện nay, hệ thống y tế tham gia vào mạng lưới phòng, chống lao tại Đắk Lắk gồm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hai bệnh viện đa khoa tuyến thị xã, thành phố, Bệnh viện Phổi tỉnh và 13 trung tâm y tế huyện, 185 trạm y tế xã, phường.

Công tác thu dung, quản lý, điều trị bệnh nhân lao được thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ điều trị khỏi và thành công bệnh nhân lao hằng năm đều đạt trên 90%. Tỷ lệ bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV đạt trên 80%.

Công tác khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp tại cộng đồng được đẩy mạnh. Năm 2023, đối với lao hoạt động, toàn tỉnh phát hiện được 1.018 ca bệnh lao các thể, tỷ lệ điều trị thành công đạt 91,5%; đối với lao tiềm ẩn, tổng số ca được phát hiện là 1.164 ca, trong đó số được quản lý điều trị là 1.129 ca, đạt 96%.

Thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế, hằng năm số bệnh nhân mắc lao mới trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 3.500 ca, nhưng chỉ mới phát hiện được trên dưới 1.000 ca bệnh (chiếm 40%), còn 60% chưa được phát hiện và đưa vào quản lý, điều trị là nguồn lây lớn rất nguy hiểm trong cộng đồng.

Bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết, bệnh nhân mắc lao tái phát sẽ nguy hiểm bởi nguy cơ kháng thuốc rất cao. Việc điều trị khi mắc lao tái phát trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nếu chuyển sang lao kháng thuốc thì khả năng chữa khỏi vô cùng thấp.

Mặt khác, chi phí để điều trị cho một trường hợp mắc lao kháng thuốc thường rất cao. Trường hợp mắc lao thông thường, chi phí điều trị khoảng 10 triệu đồng thì với lao kháng thuốc, chi phí này có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Trong khi đó, công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn như địa bàn rộng, dân số đông, một số người dân khó tiếp cận với các dịch vụ y tế để khám phát hiện, sàng lọc sớm bệnh lao, đặc biệt là người dân ở các huyện có địa lý, giao thông đi lại khó khăn, vùng sâu, vùng xa; chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế ngành lao nên rất khó tuyển dụng các bác sĩ có năng lực, trình độ về công tác tại bệnh viện… khiến công tác phòng, chống bệnh lao đã khó càng thêm khó.

Cần giải pháp căn cơ

Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới.

Hằng năm, toàn quốc tập trung phát hiện trên 100.000 bệnh nhân lao, tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao đạt trên 90%.

Hệ thống phòng, chống bệnh lao đã xây dựng và triển khai hoạt động trên toàn quốc từ Trung ương tới địa phương, tình trạng bệnh lao và lao kháng thuốc đang từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên, hằng năm số người tử vong do bệnh lao còn cao, ước tính 13.000 người; còn nhiều người mắc bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện.

Bệnh nhân được thăm khám sức khỏe và điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Trước những thách thức đó, mới đây, tại hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tiến tới chấm dứt bệnh lao theo lộ trình.

Theo ý kiến các chuyên gia, bệnh lao là vấn đề sức khỏe cộng đồng nên cùng với hệ thống bệnh viện bệnh phổi và bệnh lao, cần có sự tham gia của mọi người dân để chấm dứt căn bệnh này. Yêu cầu quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị ngoại trú tại cơ sở và có mạng lưới giám sát để bệnh nhân lao điều trị khỏi hoàn toàn.

Mặt khác, cần phá vỡ "quỹ đạo" dịch tễ thường quy của bệnh lao thông qua đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng đồng bộ vắc xin mới, thuốc mới, phác đồ điều trị mới. Song song với đó, tập trung nguồn lực mạnh mẽ, triển khai điều tra dịch tễ sâu trong cộng đồng để tạo chuyển biến căn bản trong công tác phòng, chống bệnh lao.

 

Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu phương án chi trả chi phí xét nghiệm phát hiện bệnh lao cũng như bao phủ bảo hiểm y tế cho mọi bệnh nhân lao".

 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Để tiến tới chấm dứt bệnh lao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Y tế đánh giá toàn diện, cẩn trọng về kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra cho công tác phòng, chống bệnh lao, nhất là khi Việt Nam vẫn nằm trong số 30 nước chịu gánh nặng chi phí bệnh lao cao nhất thế giới.

Đặc biệt, phải chỉ rõ các khó khăn, thách thức, nguy cơ bùng phát và gánh nặng điều trị nếu không có giải pháp kiểm soát và đẩy lùi hữu hiệu bệnh lao.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Y tế là ban hành quy định, hướng dẫn chuyên môn về công tác dự phòng, phát hiện, điều trị bệnh nhân lao từ tuyến cơ sở đến Trung ương.

Đây là căn cứ để phân công nhiệm vụ, xác định nhu cầu nhân lực trong các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, khu vực đặc thù (trại giam, cơ sở cai nghiện, trung tâm giáo dưỡng)… nhằm kiện toàn, củng cố bộ máy, tổ chức hệ thống phòng, chống lao thống nhất, xuyên suốt trong phạm vi cả nước.

Về nguồn lực tài chính, Bộ Y tế phải khẩn trương nghiên cứu phương pháp, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá phát hiện, xét nghiệm, phác đồ điều trị… để làm căn cứ thanh toán bảo hiểm y tế, hoặc bố trí từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội dành cho các hoạt động thuộc chương trình phòng, chống lao…

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.