Multimedia Đọc Báo in

Tự ý sử dụng thuốc - hậu quả khôn lường

09:25, 14/04/2024

Thói quen tự ý mua thuốc uống để điều trị bệnh có thể gây kháng thuốc kháng sinh, làm hạn chế khả năng phát hiện các bệnh nguy hiểm khác, thậm chí làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.

Kháng thuốc kháng sinh

Theo các chuyên gia y tế, kháng thuốc kháng sinh là hiện tượng xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh, khiến thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của chúng. Đây là hiểm họa nghiêm trọng đe dọa sức khỏe, tính mạng con người và gây thách thức cho các bác sĩ trong quá trình điều trị.

Chị T.B.V. (45 tuổi, ở huyện Krông Pắc) bị mắc bệnh viêm đường tiết niệu tái đi tái lại nhiều lần. Trước đây, khi có triệu chứng tiểu buốt, tiểu rát, tức vùng dưới và cảm giác nước tiểu còn trong bàng quang dù mới đi tiểu, chị V. đã ra nhà thuốc kể bệnh và mua thuốc về uống. Mặc dù được bán 5 ngày thuốc nhưng khi uống được 3 ngày, thấy các triệu chứng bệnh không còn, cho rằng bệnh đã khỏi nên chị V. dừng uống thuốc. Một tuần sau đó, các triệu chứng bệnh tiếp tục tái diễn. Khi đó, chị V. mới đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại thận tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, thực tế có rất nhiều trường hợp như chị V., khi mắc bệnh thường tự mua thuốc về uống, cảm thấy triệu chứng được cải thiện lại bỏ dở thuốc. Khi ấy vi khuẩn chưa được tiêu diệt nên sống lại, bệnh tiếp tục tái diễn và lần sau sẽ nặng hơn lần trước. Có những trường hợp bị dai dẳng, liên tục, điều trị lâu khỏi bệnh, bác sĩ phải dùng thuốc đặc biệt để điều trị.

“Kháng sinh cũng như các loại thuốc khác, ngoài tác dụng chữa bệnh, nó còn có những tác dụng không mong muốn và phản ứng phụ gây độc hại với người dùng. Việc lạm dụng kháng sinh còn tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn, làm lu mờ các triệu chứng bệnh lý, cản trở việc chẩn đoán bệnh. Kháng thuốc làm cho các lần điều trị sau trở nên kém hiệu quả hoặc không hiệu quả, kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cho bệnh nhân”, bác sĩ Hoàng lưu ý.

Việc kháng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi. Bác sĩ Hoàng khuyến cáo: Đối với người bệnh, chỉ dùng kháng sinh khi có đơn thuốc của bác sĩ, không dùng kháng sinh từ lần sử dụng trước hoặc không chia sẻ đơn thuốc, dùng chung loại kháng sinh với người khác. Người dân khi có bất cứ triệu chứng mắc bệnh nào cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định tình trạng bệnh và có chỉ định dùng thuốc thích hợp. Khi được bác sĩ kê đơn phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đủ liệu trình và thời gian chỉ định, khi thấy khỏi triệu chứng cũng không được tự ý ngưng thuốc hoặc tự ý mua thêm.

Làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh

Sau khi ngủ dậy, ông N.T.M. (68 tuổi, ở huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) bỗng nhiên bị thụt lưỡi, méo miệng, nói khó, tay không cầm nắm được. Nhận thấy đây là dấu hiệu của bệnh đột quỵ nên gia đình cho ông M. uống thuốc aspirin. Sau nhiều ngày, tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhân lại xuất hiện triệu chứng đi cầu phân đen, có mùi tanh, lúc này gia đình mới đưa ông M. đi bệnh viện. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, ông M. được chẩn đoán bị tai biến (đột quỵ) kèm xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày do tự ý sử dụng thuốc. May mắn trường hợp này chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng việc tự ý cho người bệnh uống thuốc khi chưa có chẩn đoán chính xác từ bác sĩ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí mắc thêm các bệnh nguy hiểm khác, chưa kể làm mất thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, có thể dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí là tử vong.

Bác sĩ Trần Xuân Nhã, Khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho hay, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị xuất huyết não trước khi đến bệnh viện điều trị, và họ được gia đình cho uống những loại thuốc kháng các loại tiểu cầu hoặc thuốc chống đông tại nhà khiến tình trạng xuất huyết não nặng hơn, bệnh nhân bị hôn mê sâu hơn. Hoặc cũng có trường hợp tự ý sử dụng thuốc đông máu qua đường uống, sau 5 ngày thì bệnh nhân nhập viện với triệu chứng nói khó, lơ mơ, chụp CT mới phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết não diện rộng. Như vậy, chính người nhà đã vô tình làm mất đi cơ hội sống cho chính người thân của mình.

Một bệnh nhân mắc nhiều bệnh do tự ý sử dụng kháng sinh, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: B. Trọng

Theo các chuyên gia y tế, thói quen tự ý dùng thuốc mỗi khi có triệu chứng mắc bệnh vô cùng nguy hiểu. Không chỉ gây kháng kháng sinh, có nhiều loại thuốc khi tự ý uống mà không có chỉ định của bác sĩ, lâu ngày sẽ gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như: viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết nội tạng, suy thận… hoặc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng một số bệnh về tim mạch, lao phổi, gan, thận…

Do đó, việc sử dụng thuốc cần đúng bệnh, đúng người, đúng thuốc và đúng liều là hết sức cần thiết để hạn chế tối đa tác dụng phụ.

Ngọc Lan - Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.