Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ khi tự ý mua thuốc ARV điều trị, chống phơi nhiễm HIV/AIDS

08:10, 09/04/2023

Thuốc ARV - thuốc kháng vi rút HIV được xem là một phương thức điều trị có thể hạn chế được ảnh hưởng của vi rút và đem lại cuộc sống tương đối bình thường cho bệnh nhân nhiễm HIV, đây được xem là một cuộc cách mạng mang lại hy vọng sống cho bệnh nhân nhiễm HIV. Tuy nhiên, do là một loại thuốc đặc thù, ARV không thể sử dụng tùy tiện mà cần có sự chỉ định, tư vấn của người có chuyên môn.

 ARV thực ra là thuốc kháng vi rút dùng cho rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh HIV. ARV là thuốc ức chế sinh sản vi rút HIV có nhiều công dụng khác nhau, do đó có thể điều trị cho bệnh nhân nhiễm, có thể dự phòng trước và sau phơi nhiễm và cũng có thể dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu người nhiễm HIV tuân thủ điều trị, điều trị sớm ARV sẽ đảm bảo được cuộc sống lâu dài, và nếu người nhiễm HIV được điều trị ARV ổn định đạt mức tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện thì sẽ không lây truyền qua bạn tình, nguy cơ lây truyền sang người khác thấp.

Không nên tùy tiện sử dụng thuốc ARV mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Nguy cơ nhiễm HIV có thể đến với tất cả mọi người, trong mọi tình huống không ngờ nhất như: dẫm phải kim tiêm; vô tình để máu, dịch tiết, bệnh phẩm bệnh nhân nhiễm HIV bắn vào miệng, mắt, vết thương; các đối tượng xâm hại thân thể, xâm hại tình dục, quan hệ tình dục không an toàn… Khi vô tình tiếp xúc với nguồn nhiễm HIV, đa phần mọi người đều hoang mang lo sợ và ngay lập tức tìm kiếm cách ngăn ngừa vi rút, hạn chế nguy cơ, không ít người đã ngăn ngừa sớm bằng cách tự tìm mua và uống thuốc ARV mà chủ quan không tham vấn ý kiến của bác sĩ. Tuy nhiên, ARV là thuốc chống phơi nhiễm có độc tố cao không thể sử dụng bừa bãi, thuốc ARV có thể khắc chế vi rút HIV nhưng cũng mang lại nhiều tác dụng phụ với cơ thể nếu sử dụng không đúng cách.

 

Dù thuốc kháng vi rút ARV là giải pháp rất hữu hiệu để ngăn chặn vi rút HIV, song việc tự ý sử dụng thuốc ARV mà không tiến hành những xét nghiệm cần thiết cũng như tham khảo tư vấn của bác sĩ, người có chuyên môn thì việc dùng thuốc không những không có tác dụng mà còn để lại nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Trước đây, chương trình điều trị ARV được tài trợ và miễn phí hoàn toàn từ các tổ chức quốc tế, từ năm 2015 thì chuyển dần từ mô hình miễn phí sang tính phí. Hiện ARV đã được Nhà nước đưa vào danh mục thuốc điều trị bảo hiểm y tế. Các công ty dược cũng bắt đầu nhập khẩu các loại thuốc điều trị HIV về nên mọi người có thể mua được ARV tại các hiệu thuốc bên ngoài.

Nhiều người bị phơi nhiễm chỉ đơn thuần đi mua thuốc về uống chứ không được tư vấn trước và sau, không được hỗ trợ trong trường hợp cấp bách, trường hợp bị tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là việc tư vấn phải tuân thủ điều trị thuốc là điều rất quan trọng, bởi lẽ nếu không tuân thủ điều trị sau này sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc.

Trên thực tế, từ phơi nhiễm đến nhiễm HIV là một quá trình lâu dài, hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu có sự can thiệp kịp thời, đúng đắn bởi những đơn vị có chuyên môn. Vì vậy, dù với bất cứ lý do nào thì người bị phơi nhiễm cũng không nên tự ý dùng thuốc ARV khi chưa được tư vấn của bác sĩ, vì lợi bất cập hại có thể mang đến nhiều nguy cơ cho cơ thể từ các tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí nguy hại hơn là sử dụng thuốc sai cách làm giảm sút hoặc triệt tiêu hiệu quả kháng vi rút của thuốc. ARV là thuốc phải được bác sĩ chỉ định và kê đơn, sử dụng phải nghiêm ngặt về thời gian, phải uống đúng giờ (một giờ nhất định trong ngày, nếu uống liên tục), cần có sự theo dõi, hướng dẫn, tư vấn về xử lý tác dụng phụ của thuốc.

Trước khi sử dụng thuốc ARV, người bị phơi nhiễm phải được tầm soát, xét nghiệm HIV xem có dương tính không, phải kiểm tra tổng quát chức năng gan, thận, hệ miễn dịch và kiểm tra tải lượng vi rút HIV để giúp người phơi nhiễm HIV có thể đáp ứng tốt với thuốc hay không; một số trường hợp nhiễm viêm gan B, phải cân nhắc kiểm tra men gan mới được dùng.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.