Multimedia Đọc Báo in

Ân tình giữa hai vùng đất

10:33, 01/05/2024

Tỉnh Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương có quan hệ gắn bó, thân tình gần gũi.

Điều đó không chỉ được minh chứng cụ thể qua việc hai bên đã ký kết nhiều chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế trên các lĩnh vực mà còn thể hiện qua những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần thắt chặt tình thân...

Đã thành thông lệ, hằng năm, cứ đến dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Đoàn công tác của Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức các chuyến xe nghĩa tình, mang những phần quà ý nghĩa đến tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương của Đắk Lắk.

Năm Giáp Thìn 2024 vừa qua, điểm đến của chương trình là xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. 200 hộ dân đã được nhận những suất quà ý nghĩa, trị giá 1 triệu đồng/suất của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại TP. Hồ Chí Minh trao tặng, giúp bà con, hộ dân tộc thiểu số nghèo có thêm điều kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc ấm áp, tươi vui hơn.

Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Xuân Điền nhấn mạnh, món quà thể hiện tình cảm gắn kết giữa hai địa phương, mà Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk làm “cầu nối”, để từ đó vận động các doanh nghiệp, nhà tài trợ.

Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk trao quà, tặng các hộ dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn).

Được biết, không chỉ trong dịp Tết, mà còn có nhiều chuyến xe nghĩa tình của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo của TP. Hồ Chí Minh, theo những chương trình, các “kênh” riêng cũng liên hệ với chính quyền địa phương, tìm về các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tổ chức các hoạt động thiện nguyện, thắm đượm nghĩa tình đồng bào.

Tình cảm trách nhiệm sẻ chia của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ thành phố mang tên Bác với tỉnh Đắk Lắk – địa phương vốn còn nhiều khó khăn hiển hiện mỗi khi Đắk Lắk đối mặt với khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán, lũ lụt.

Còn nhớ cuối năm 2017, nhiều nông dân Đắk Lắk bị thiệt hại hàng tỷ đồng do ảnh hưởng của cơn bão số 12, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã lập tức lên đường, đến trao 1 tỷ đồng tặng Đắk Lắk hỗ trợ bà con; đồng thời trực tiếp xuống xã vùng sâu Ea Trang (huyện M’Drắk), nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất để thăm, trao 150 suất quà tặng người dân.

Còn trước đó, năm 2016, TP. Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ Đắk Lắk 1,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của hạn hán, giúp các hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sớm vượt qua khó khăn, ổn định và vươn lên trong cuộc sống.

Nghĩa tình của thành phố mang tên Bác còn được thể hiện qua hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đầy tính nhân văn khác khác là chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các đoàn y bác sĩ của nhiều bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thường xuyên về Đắk Lắk khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con. Những chương trình khám sàng lọc, tầm soát và tư vấn miễn phí bệnh tim cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Tim Tâm Đức TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hằng năm đã kịp thời phát hiện, hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho hàng trăm bệnh nhi.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận kinh phí nhân dân, cán bộ, chiến sĩ TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lụt năm 2017.

Đáp lại tình cảm ấy, khi TP. Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch COVID-19, phải phong tỏa, người dân thiếu lương thực, các nhu yếu phẩm thiết yếu, người dân ở Đắk Lắk đã một lòng hướng về thành phố bằng tất cả nghĩa tình, tấm lòng, trách nhiệm sẻ chia. Hàng trăm chuyến xe rau, củ quả được người dân thu hoạch, gom góp hướng về tâm dịch, kịp thời tiếp tế, giúp nhân dân TP. Hồ Chí Minh an lòng trong những ngày giãn cách xã hội, cách ly tập trung để phòng, chống dịch.

Còn với hàng nghìn sinh viên, người lao động đang sinh sống, học tập, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh đã và đang thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân với địa phương mình đang sinh sống bằng cách học tập chăm chỉ, ra sức lao động, đóng góp trí lực, xây dựng thành phố ngày thêm giàu mạnh, phồn thịnh.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.