Multimedia Đọc Báo in

Cần tỉnh táo khi cung cấp thông tin cá nhân

08:47, 23/05/2024

Một sinh viên năm thứ nhất ở trường tôi vừa bị lừa hết tiền trong tài khoản, dù chiêu thức lừa đảo cũ rích nhưng mấu chốt ở chỗ em đã quá tin tưởng vào tin nhắn từ tài khoản của người quen!

Nguồn cơn của việc lừa đảo bắt đầu từ việc bạn sinh viên này nhận được tin nhắn messenger của một chị sinh viên cùng khoa học khóa trên, trao đổi về một gói quà tặng dành cho sinh viên trị giá vài triệu đồng.

Để được nhận quà, bạn phải cung cấp khá nhiều thông tin quan trọng: số điện thoại, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng và mã OTP! Với tất cả những thông tin này kẻ lừa đảo dễ dàng lấy sạch tiền trong tài khoản của em sinh viên! Hóa ra là chị sinh viên lớp trên đã bị hack tài khoản facebook và kẻ gian đã lấy tên chị để lừa nhiều người. Ai cảnh giác thì không mắc bẫy nhưng bạn sinh viên năm nhất này lại dễ dàng bị lừa chỉ bởi vì tin người quen!

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh: Internet

Theo Báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023 do Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án xã hội chống lừa đảo phối hợp công bố, có gần 16 tỷ USD của người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Con số thiệt hại rất lớn nêu trên cho thấy, Việt Nam là "vùng trũng" nhận thức thông tin và sử dụng mạng. Con số nạn nhân bị lừa đảo qua mạng ngày một dài thêm và con số 16 tỷ USD kia có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng vì không phải ai bị lừa đảo, mất tiền cũng trình báo với cơ quan chức năng.

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo bằng mọi hình thức, tới từng khu phố, tới từng hộ gia đình nhưng lừa đảo qua mạng vẫn cứ diễn ra. Theo Cục An toàn thông tin, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em với 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên với 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo. Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay diễn ra ngày càng tinh vi, thông qua phương thức chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Trong số những nạn nhân bị lừa đảo, có cả những người có trình độ học vấn cao, có tinh thần cảnh. Bởi thế, chỉ cảnh giác thôi là chưa đủ. Để tránh bị lừa đảo, mỗi người cần tỉnh táo, cân nhắc trước khi làm theo thông tin tin nhắn, cuộc gọi, hay truy cập các trang web và đường link, kể cả khi chúng được gửi đến từ tài khoản của người quen. Cần “chậm lại” để xác minh thông tin; không cung cấp bất cứ thông tin quan trọng như căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và đặc biệt là đừng tin những món quà bất ngờ trị giá tiền triệu đến một cách dễ dàng.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.