Multimedia Đọc Báo in

Động lực cho phụ nữ vươn lên

08:31, 28/05/2024

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Ana luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, ngành nghề, đặc biệt là chị em có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, khuyết tật vươn lên, tự tin khởi nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình.

Với quan điểm là những tài nguyên bản địa hay sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo… đều có thể trở thành một ý tưởng kinh doanh nên chỉ cần các hội viên có ý tưởng, các cấp hội trên địa bàn huyện luôn tạo điều kiện để kịp thời đánh giá, hướng dẫn và hỗ trợ để họ phát triển thành mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, các cấp hội sẽ tạo điều kiện cho hội viên về vốn, tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý nguồn vốn… Nhờ vậy, nhiều chị em đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sẵn sàng thử sức với đam mê của mình và nâng cao thu nhập.

Đạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” của Hội LHPN tỉnh năm 2021, bà H’Yar Kbuôr (buôn Kla, xã Dray Sáp) được coi là tấm gương truyền động lực mạnh mẽ đến phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ trên địa bàn huyện.

Sinh ra trong gia đình nghèo, phải nghỉ học sớm, bị khuyết tật ở chân, còn làm mẹ đơn thân, bà H’Yar chọn nghề dệt thổ cẩm để nuôi sống bản thân và trở thành chỗ dựa cho gia đình. Xác định phải sống được bằng nghề dệt thổ cẩm, bà H’Yar đầu tư thời gian học dệt thổ cẩm, dệt những họa tiết cổ mà ít người làm được để sản phẩm tạo ra có thể cạnh tranh được trên thị trường. Nhờ vậy, những sản phẩm của bà được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, đặt mua. Đặc biệt, vào những dịp như lễ, tết, số lượng người đặt hàng ngày càng đông, bà phải làm việc liên tục mới đủ hàng để bán.

Bà H’Yar Kbuôr (ngồi giữa) cùng chị em trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kla giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm.

Năm 2022, bà H’Yar tập hợp 17 hội viên phụ nữ tại buôn thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kla. Tổ chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt truyền thống của người Êđê, do bà H’Yar làm tổ trưởng. Tổ hợp tác được các cấp hội phối hợp hỗ trợ 1 máy vắt sổ, cho mượn 3 máy may để phục vụ sản xuất. Đồng thời, liên kết chặt chẽ trong quá trình giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh trong và ngoài địa bàn huyện. Nhờ vậy, khi tham gia tổ hợp tác, ngoài việc được chia sẻ kinh nghiệm, giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, chị em tại địa phương còn có thêm thu nhập đáng kể.

Hay như chị Hồ Thị Ngân Thùy (buôn Cuê, xã Băng Adrênh) vốn là giáo viên thanh nhạc tại một trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Năm 2018, chị cùng chồng về tại địa phương để lập nghiệp với diện tích 1,5 ha cà phê già cỗi do bố mẹ để lại. Ban đầu chị Thùy chặt bỏ một số diện tích cà phê năng suất thấp để trồng rau màu, tái canh cà phê, trồng xen thêm hồ tiêu, nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Thời điểm dịch COVID-19 ập đến, chị Thùy ấp ủ ý tưởng sử dụng các sản phẩm được trồng tại vườn của gia đình để sản xuất thêm các loại trà với công dụng thanh lọc và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, mạng xã hội ngày càng phát triển, ai cũng có thể trở thành một chủ kênh bán hàng trên nhiều nền tảng như Facebook, TikTok, Zalo…, chị Thùy mong muốn có thể kiếm được tiền từ tất cả các sản phẩm chất lượng do mình tạo ra.

Chị Hồ Thị Ngân Thùy (bên trái) giới thiệu các sản phẩm trà đến khách hàng.

Nghĩ là làm, chị Thùy đa dạng hóa các loại cây trong diện tích vườn của gia đình và cương quyết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng, chăm sóc, chế biến. Chị để diện tích vườn của gia đình phát triển thuận tự nhiên như một khu rừng có nhiều tầng tán, với nhiều loại cây khác nhau như cà phê, hồ tiêu, mãng cầu, khoai, nghệ, sachi, mướp, chanh dây… cùng phát triển. Từ đó, sử dụng các sản phẩm thu được để chế biến thành nhiều loại trà khác nhau. Tuy nhiên, chị Thùy gặp nhiều khó khăn do sản phẩm làm ra chưa được nhiều người biết đến, hầu như không bán được. Khi đó chị may mắn được Hội LHPN các cấp định hướng xây dựng hình ảnh sản phẩm bắt mắt, phù hợp với xu hướng phát triển xanh. Ngoài ra, chị Thùy còn được các cấp hội hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng trưng bày, sự kiện, mạng xã hội Facebook… cấp huyện nhằm tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn.

Hiện, chị Thùy đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm trà như trà mãng cầu, búp ổi, xạ đen, tầm gửi, lạc tiên… Các sản phẩm của gia đình chị làm ra tuy số lượng còn hạn chế, nhưng đã được nhiều khách hàng trên khắp cả nước tin tưởng đặt mua. Ngoài các loại trà, hồ tiêu, cà phê... thì vườn của chị còn có nhiều loại cây ăn quả mang lại thu nhập quanh năm như ổi, chanh, đu đủ…

Nhờ mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình và sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Krông Ana mà bà H’Yar Kbuôr và chị Hồ Thị Ngân Thùy đã có được những mô hình kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình, trở thành tấm gương vượt khó cho phụ nữ trên địa bàn học tập và làm theo.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.