Multimedia Đọc Báo in

Hãy quan sát con trẻ thật kỹ!

15:55, 31/05/2024

Dư luận lại một lần nữa xôn xao về vụ việc trẻ em bị bỏ rơi trên xe đưa đón, dẫn đến cái chết thương tâm của cháu bé ở Thái Bình.

Sự việc này y hệt sự cố từng xảy ra ở Hà Nội mấy năm trước, cho thấy lời cảnh báo về thái độ quan tâm của người lớn dành cho con trẻ không bao giờ là muộn.

Cái chết thương tâm của cháu bé 5 tuổi trên xe đưa đón tại Thái Bình ngày 29/5 vừa qua cũng tương tự như chuyện bi thảm đã xảy ra với cháu bé 6 tuổi ở Hà Nội năm 2019: cháu nhỏ đã bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường suốt nhiều giờ, trong tình trạng nắng nóng dẫn đến sốc nhiệt và suy hô hấp. Lỗi được chỉ rõ, là người lái xe, cùng giáo viên đưa đón học sinh đã thiếu quan sát, thiếu kiểm soát lại hiện trạng khoang xe, không phát hiện trẻ bị sót lại không kịp xuống xe cùng các bạn.

“Đây rõ ràng không phải sự cố riêng biệt nào, và cũng không chỉ xảy ra ở chúng ta. Tại Nhật Bản, tháng 7/2021 cũng đã từng xảy ra vụ việc tương tự, khi một cháu bé bị bỏ rơi trong xe buýt 9 giờ giữa nắng nóng dẫn đến tử vong. Tất cả đều có chung nguyên nhân là do sự thờ ơ bất cẩn của người phụ trách. Bởi lẽ tâm lý chung của mọi người, là bọn trẻ hiếu động luôn nhanh nhảu xuống xe với nhau, có đứa nào bị rơi lại phía sau sẽ được bạn bè kêu gọi. Tình cảnh học sinh xuống xe như thế diễn ra ngày ngày, đã tạo tâm lý chủ quan cho người đưa đón, đến mức thờ ơ”, một chuyên gia tâm lý tại TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ như vậy.

Ảnh minh họa. Nguồn: freepik.com

Mở rộng những vấn đề nguy hiểm cho trẻ em tại trường học và trong đời sống, ông Phạm Nam Chinh, một người tư vấn và hướng đạo cho thanh thiếu niên tại TP. Đà Nẵng nhìn nhận, môi trường sinh hoạt hằng ngày ở nơi đô thị có thể tạo ra những “cái bẫy” hiểm họa, dẫn đến chết người vì bất cẩn với những thói quen nhỏ nhặt nhất. Một đứa trẻ tử vong khi bị bỏ rơi nhiều giờ trên xe đưa đón, nhưng hàng trăm đứa trẻ khác cũng có thể gặp nguy hiểm tính mạng khi bị bỏ quên trong nhà, sơ sẩy trong phòng tắm gia đình… Từ bếp gas, tủ điện, cho đến cục sạc điện thoại trên ổ cắm luôn rình rập nguy hiểm cho con trẻ và chỉ cần phụ huynh, người chăm sóc có một phút giây lơ đễnh, là tai họa đã có thể xảy ra. Ông Chinh nhấn mạnh: “Chúng ta trách những người có trách nhiệm trong vụ việc cụ thể là bỏ quên trẻ em trên xe đưa đón, nhưng cũng không ít lần chính chúng ta bất cẩn bỏ quên con mình khi đi siêu thị, dạo chơi ở quảng trường, thậm chí để con ngủ trong giường nhiều giờ mà thiếu quan sát. Những sự chủ quan này đều cần phải cảnh báo nhưng gần như không có ai bận tâm, nhất là với những thói quen sinh hoạt “đã được lập trình”, người lớn thường không kiểm tra lại vì chủ quan”.

Hiện tại đã vào mùa hè, là mùa nắng nóng nguy hiểm và cũng là giai đoạn trẻ em ít đến trường, có nhiều cơ hội vui chơi thoải mái hơn. Theo ông Chinh, đây là thời điểm rất nhạy cảm mà các bậc cha mẹ phải chú ý, và cần để tâm quan sát con cái nhiều hơn. Một thống kê chưa đầy đủ của các nhà tư vấn cho thấy, là tại đô thị, trong gia đình, nguy cơ trẻ em gặp nguy hiểm chiếm đến 80%, so với nguy cơ chỉ hơn 20% ở nơi hoang dã hay đồng ruộng. Từ hiện tượng sinh hoạt bất thường, những thói quen xấu của trẻ, cho đến môi trường tiếp xúc của trẻ, đặc biệt là trẻ tuổi từ 5 – 7 vốn hiếu động, tò mò, cha mẹ phải hết sức lưu tâm và linh hoạt phán đoán. Các vật dụng gia đình nguy hiểm như dao kéo, ngay cả thú cưng như chó, mèo, đều cần phải kiểm soát được. Môi trường hoạt động và giao tiếp bên ngoài càng cần phải được chú ý hơn. Trẻ có thể té ngã khi đi cầu thang, dẫm vào các đầu hành lang, lên xuống xe hay đi gần các công trình, bị tai nạn giao thông hay hỏa hoạn…

Sự việc đáng tiếc với những đứa trẻ bị bỏ rơi, một lần nữa gióng tiếng chuông cảnh báo các bậc cha mẹ về những mối nguy hiểm với con cái của mình. Các bậc cha mẹ hãy luôn luôn quan sát và theo dõi con cái. Việc kiểm tra, nhắc nhở lại ở từng mốc thời gian nhất định trong ngày, đối với sinh hoạt, hoạt động của con cái, và với những người có trách nhiệm liên quan phải thực hiện thường xuyên. Có như vậy, những sự cố đau lòng với những đứa trẻ đáng thương mới không xảy ra!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.