Multimedia Đọc Báo in

Người dân khổ sở vì không có điện lưới

08:37, 07/05/2024

Hiện nay, 107 hộ dân tại thôn 3 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar) vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, đời sống gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Ông Lý Văn Mến cho biết, năm 1994, ông đưa vợ con từ tỉnh Tuyên Quang vào đây lập nghiệp.

Lúc này hầu như toàn xã Cư Elang chưa có điện lưới quốc gia, người dân chủ yếu dùng đèn dầu và bình ắc quy để thắp sáng vào buổi tối. Qua thời gian, hệ thống điện lưới quốc gia dần được phủ khắp trên địa bàn xã, chỉ còn thôn 3 đến nay vẫn chưa có điện.

Người dân thôn 3 vẫn phải dùng bình ắc quy để lấy điện sinh hoạt.

Năm 2007, gia đình ông Mến cùng nhiều hộ dân khác trong thôn tự kéo điện từ thôn 2 (xã Cư Elang) về sử dụng. Thế nhưng do khoảng cách giữa trụ điện đến các hộ dân khá xa nên điện rất yếu và phải trả tiền điện giá cao do chịu thêm lượng điện hao hụt trên đường dây. Vì vậy, bà con không sử dụng điện tự kéo nữa mà đành phải quay lại dùng bình ắc quy để lấy điện sinh hoạt cho đến nay.

Ông Lý Văn Mến bày tỏ, sau nhiều năm sử dụng, bình ắc quy của gia đình ông đã xuống cấp, điện thường xuyên bị chập chờn. Nhiều lúc, khi cả nhà ông đang xem thời sự tối thì ti vi bất ngờ tắt ngúm; nguồn điện không ổn định cũng đã làm hư hỏng nhiều thiết bị điện của gia đình ông.

Tương tự, năm 2004, gia đình bà Lý Thị Hoa (dân tộc Dao) từ tỉnh Đồng Nai đến thôn 3 (xã Cư Elang) sinh sống. Đã hơn 20 năm đặt chân đến đây nhưng gia đình bà vẫn phải dùng bình ắc quy loại nhỏ và tấm pin năng lượng mặt trời để lấy điện sinh hoạt gia đình.

Qua nhiều năm sử dụng, điện của bình ắc quy ngày càng yếu, chỉ đủ thắp sáng bóng đèn công suất nhỏ; còn tấm pin năng lượng mặt trời cũng chỉ dùng được trong mùa nắng, mùa mưa hầu như không có điện vì thiếu ánh nắng mặt trời. Sinh hoạt đã khó khăn, sản xuất khi không có điện lưới cũng rất tốn kém.

Gia đình bà Hoa trồng hơn 2 ha cà phê xen canh cây quýt, vải. Vào mùa khô, mỗi tuần gia đình bà phải dùng dầu chạy máy tưới hai lần, mỗi lần từ 10 – 12 giờ mới cung cấp đủ nước cho cây phát triển.

Theo ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, để cấp điện được cho người dân thôn 3 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar) cần đầu tư lắp đặt gần 5 km đường dây trung áp; 2 trạm biến áp và 4 km đường dây hạ áp, với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay Công ty Điện lực Đắk Lắk chưa thể cân đối được nguồn vốn để đầu tư, kéo điện cho bà con.

Cũng phải dùng máy nổ để bơm nước tưới tiêu, trong khi giá dầu luôn ở mức cao, anh Lý Văn Phủ (dân tộc Dao, thuộc diện hộ nghèo) cho hay, với 1,5 ha cà phê trồng xen cây dổi của gia đình, khi mùa khô đến, mỗi tháng anh phải tưới cho vườn cây từ 6 - 8 lần và duy trì liên tục tới khi mùa mưa đến. Chi phí mỗi lần tưới từ 250 - 300 nghìn đồng. Nhiều lúc không có tiền, anh Phủ phải đi vay nợ để mua dầu tưới.

Không chỉ khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất, việc học tập của trẻ em nơi đây cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Anh Long Văn Thầy (dân tộc Nùng, thuộc diện hộ nghèo ở thôn 3) nói trong lo lắng: "Do bình ắc quy không còn cầm điện nên gia đình tôi không sử dụng ti vi vào buổi tối mà để dành điện thắp sáng bóng đèn cho ba đứa con học bài. Mặc dù vậy, bóng đèn cũng chỉ sáng lờ mờ do điện yếu. Để thấy chữ, các con tôi luôn phải đọc sách ở khoảng cách gần, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt, nhất là cận thị".

Có thể thấy, việc không có điện lưới quốc gia đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân thôn 3.

Trong nhiều năm qua, tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện Ea Kar và đại biểu HĐND tỉnh, người dân thôn 3 đã nhiều lần ý kiến về việc không có điện lưới quốc gia, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Do bình ắc quy hết điện, anh Long Văn Thầy phải lấy đèn pin chiếu sáng cho các con học bài buổi tối.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Tấn Lượng, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ea Kar cho biết, trong Danh mục đầu tư hạ tầng điện huyện Ea Kar giai đoạn 2022 - 2025 không có thôn 3 (xã Cư ELang).

Trước phản ánh của người dân, đơn vị sẽ phối hợp với Điện lực Ea Kar tiến hành rà soát những khu vực chưa có điện trên địa bàn huyện để đăng ký, điều chỉnh, bổ sung vào Danh mục đầu tư hạ tầng điện huyện Ea Kar giai đoạn 2022 - 2025.

Đồng thời, kiến nghị UBND huyện Ea Kar bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai trên địa bàn huyện hoặc các nguồn kinh phí khác để đầu tư hạ tầng cơ sở, kéo điện phục người dân.

Anh Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.