Nỗi lo khi... lương tăng
Thực hiện chính sách tiền lương mới, từ ngày 1/7/2024, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh tăng so với hiện nay. Song mức lương mới này mới chỉ ở dạng “thông tin” thì giá cả hàng hóa đã rục rịch tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 của cả nước tăng 0,07% so với tháng 3. So với tháng 12/2023, CPI tháng 4 tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước.
Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuyết Mai |
Trong khi đó tại Đắk Lắk, CPI bình quân 4 tháng năm 2024 tăng khá cao (tăng 5,1% so với cùng kỳ). Có 10/11 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 15,08%). Đặc biệt, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,43% thì lương thực lại tăng rất mạnh (tăng 19,95%)...
Có thể thấy, CPI tăng mạnh và tập trung ở các nhóm thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Điều khiến nhiều người lo ngại là việc chỉ số PCI tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2024 trùng với thời điểm thông tin về việc áp dụng chính sách tiền lương mới. Đây liệu có phải là tình trạng “té nước theo mưa” đã từng diễn ra rất nhiều lần trước đây. Cứ mỗi lần có thông tin “tăng lương” thì giá các mặt hàng thiết yếu lại “leo thang”. Thậm chí trước mỗi đợt tăng lương, thường có một “bão giá” đi kèm.
Thực tế, việc tăng lương là để bù trượt giá, đảm bảo mức sống cho người lao động. Việc tăng lương mang ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này bởi không chỉ giúp cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức mà còn mang lại niềm vui, động lực lớn cho cả người lao động. Thế nhưng, giá và lương có quan hệ chặt chẽ với nhau, khi lương tăng, giá cả hàng hóa ổn định thì tiền lương tăng mới có giá trị với người lao động. Nếu giá cả thị trường tăng quá cao thì đối tượng công chức, viên chức và người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, người có công lại gặp khó khăn, thậm chí là khó khăn hơn vì tăng lương không theo kịp giá cả thị trường.
Đây rõ ràng là một vấn đề, đặt ra cho cơ quan chức năng bài toán phải kiểm soát được giá cả thị trường, hay nói chính xác hơn là phải kiểm soát được lạm phát.
Để tăng lương mà giá không tăng là bài toán rất khó và muốn giải được thì công tác điều tiết thị trường phải làm thật tốt. Đặc biệt, phải chú trọng việc xây dựng, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Và quan trọng nữa là phải có biện pháp kiểm soát được tình trạng “a dua”, nghĩa là tăng giá chỉ vì tăng lương, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc