Multimedia Đọc Báo in

Nhớ Trường Sơn

10:23, 27/05/2024

Cũng lâu rồi chúng tôi chưa về thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) thăm lại Cột Km 0 đường Hồ Chí Minh. Cột mốc lịch sử ấy đã mấy lần thay đổi, ban đầu bằng thân cây lớn trầy xước mảnh đạn bom, rồi sau đó được đúc bằng xi măng, nhỏ nhắn.

Khi chúng tôi lên đây hơn 20 năm trước, cột mốc cũ đã đưa vào bảo tàng; cột mốc mới được dựng bề thế ốp đá, tọa lạc giữa trung tâm thị trấn, một mặt ghi “Đường chiến lược Hồ Chí Minh – Km 0”, mặt sau là dòng chữ “Nơi đây ngày 9/9/1964, bộ đội công binh, thanh niên xung phong (TNXP), nhân dân Nghệ An đã khởi công xây dựng Đường chiến lược mang tên Hồ Chí Minh để chi viện các chiến trường chống Mỹ cứu nước”. Còn cột mốc bây giờ đã khác, cao sừng sững, bốn mặt được ốp đá hoa cương. Di tích Km0 - Đường Hồ Chí Minh nơi này đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2013…

Trước đó, một dấu mốc lịch sử không quên: Ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định tuyến vận tải quân sự dọc đường Trường Sơn mang tên đường Hồ Chí Minh. Sau một thời gian chủ yếu vận chuyển thủ công, đến 1964, thị trấn Lạt (Tân Kỳ, Nghệ An) được chọn làm Km 0 mở tuyến đường chiến lược để phục vụ xe vận tải cơ giới vào Nam.  

Di tích Km0 – Đường Trường Sơn ở Tân Kỳ (Nghệ An) năm 2002. Ảnh: Huỳnh Anh

… Đó là đầu tháng 3/2002. Tôi cùng nhà báo Nguyễn Minh Sơn và nhiếp ảnh gia Huỳnh Anh bỏ hai chiếc xe máy lên tàu từ Đà Nẵng ra Vinh, rồi chạy ngược lên Tân Kỳ, lấy Km 0 này làm điểm xuất phát, cứ thế chạy dọc theo đường Tây Trường Sơn vượt Tây Nguyên vào Nam. Đến ngã Sáu Buôn Ma Thuột thì kim xe máy chỉ con số gần 2.000 km, với thời gian 23 ngày đêm liên tục. Thời điểm đó, đường Hồ Chí Minh đã khởi công xây dựng trước đó 2 năm, nhưng chủ yếu ở tuyến phía Đông, còn phía Tây hầu như vẫn còn hoang vắng.

22 năm vụt trôi trong chớp mắt. Chạy xe máy dọc đường Trường Sơn, một thứ không thể thiếu với chúng tôi là những bó hương, bởi biết rằng hương hồn những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi vẫn ở lại nơi đây... Tuyến đường 12A trong chiến tranh là “rốn bom” khốc liệt, nơi Anh hùng Nguyễn Viết Xuân chỉ huy pháo cao xạ trên đồi 37 bảo vệ cầu Bãi Dinh với khẩu lệnh bất hủ: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Như bên Cổng Trời, anh em Đồn Biên phòng Cha Lo kể nếu đem hết số bom Mỹ đã rải xuống đây xếp nối đuôi nhau cho đến hết đường, thì cũng phải xếp thành hàng hai, hàng ba…

Nhớ đêm mưa ngồi uống rượu trong gian bếp của thầy Hà Công Văn ở Trường Tiểu học Húc Nghì (huyện Đắk Krông, Quảng Trị). Thầy hiệu trưởng Hà Công Văn quê Quảng Bình là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Trung học sư phạm Đồng Hới, cuối những năm 1970 vừa tốt nghiệp đã khoác ba lô lên vùng rừng núi Vân Kiều này. Và rồi tận tụy với sự nghiệp trồng người dọc rẻo Trường Sơn suốt cả một đời.

Câu chuyện về thầy Văn với các thế hệ học trò Vân Kiều có viết cả pho sách cũng không hết. Đêm ấy chúng tôi cùng thầy ra sông kiếm cá. Xoong cá nhỏ kho ớt xanh cay xè, mấy con cá mát tươi nướng thơm lựng, một chõ xôi núi, và rượu Ba Đồn để giữa nền bếp. Cánh đàn ông của trường Húc Nghì ngồi xổm quây quanh ông thầy hiệu trưởng của mình râm ran đến tận khuya…

Cuối năm ấy thầy Hà Công Văn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Và rồi một chiều cuối tháng 11/2014, đọc báo bàng hoàng hay tin thầy Văn qua đời trong một vụ tai nạn trên đường Hồ Chí Minh ở Húc Nghì… Giờ mỗi lần qua nơi này, lại nhớ bóng dáng gầy gò của người thầy anh hùng ấy.

Nhớ cái tẩu thuốc rê buổi trưa ấy tôi xin hút “ké” với cụ Đinh Reng bên nhà sàn ở làng Rô (Nam Giang, Quảng Nam), khi ấy cụ đã ngót 90 tuổi.

Thời xưa cụ Reng đã cùng cha mình là cụ Đinh Đéh phát hiện hai người tù chính trị Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ kiệt sức nằm mê man bên khe Rô sau khi vượt ngục Đăk Glei - Kon Tum, trong khi địch đang truy tìm.

Cha con cụ Đéh cùng dân làng Rô đã cõng hai người về bón cơm cháo, che chở, nuôi giấu. Lính Pháp và Việt gian đánh hơi thấy liền vây chặt làng đốt nhà, đánh đập khảo tra, nhưng chẳng ai hé nửa lời. Rồi chính cụ Đéh đã không quản hiểm nguy trực tiếp đưa hai người vượt bao đồn bốt giặc về tới đồng bằng.

Chỉ lên vách nhà có treo ảnh nhà thơ Tố Hữu, cụ Reng kể khoảng những năm 1980 nhà thơ Tố Hữu về thăm lại làng Rô và tặng gia đình cụ bức ảnh cùng mấy bài thơ của ông. Trong đó có bài thơ “Nước non ngàn dặm” viết về ngôi làng ơn nghĩa này: “Ôi! làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm, ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy”...

Thanh niên tình nguyện quốc tế tham gia xây dựng đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung Việt

Nhớ tấm áo vỏ cây trong nhà già Lem ở thôn Đắk Mế xã biên giới Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum), mà nghe Bí thư xã Thao Rát bảo rằng đó chính là “bộ áo vỏ cây cuối cùng” của người B’râu nơi ngã ba Đông Dương này. Vỏ cây rừng được lột ra, đem phơi khô rồi xâu lại thành manh áo để mặc. Thao Rát nói đời sống đã thay đổi đi lên dần, áo vỏ cây trở thành ký ức rồi. Người B’râu là một trong số những cộng đồng dân tộc ít người nhất cả nước, thời điểm chúng tôi ghé chân thống kê chỉ khoảng 280 người.

Và không quên được mấy ngày ở Đắk Lắk với điểm dừng chân ở đường Đông Trường Sơn bên bến sông Sêrêpốk (xã Krông Na, Buôn Đôn). Tưởng tượng những chuyến xe vận tải, những chiếc xe tăng, cỗ pháo vượt cầu, vượt ngầm qua đoạn sông này tiến vào chiến trường miền Nam mở ra những chiến dịch lớn, khởi đầu đại thắng mùa Xuân năm 1975. Bến phà Sêrêpốk đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Kể từ Tây Nguyên trở đi, con đường Trường Sơn xưa đã phẳng phiu thảm nhựa. Nên chúng tôi quyết định kết thúc hành trình xuyên đường Trường Sơn 23 ngày đêm ở đây, sau khi đã chạy xe máy ngót 2.000 km, qua 8 tỉnh Bắc và Trung Trung bộ, len lỏi qua những cánh rừng, những chặng đường đầy trắc trở, gập ghềnh. Một hành trình đặc biệt, khi khởi đầu từ Di tích quốc gia đặc biệt Km 0 Tân Kỳ (Nghệ An), và kết thúc cũng tại một Di tích quốc gia đặc biệt – bến phà Sêrêpốk.

Dòng Sêrêpốk chảy ngược, thời gian thì chảy xuôi. Nhưng ký ức bi tráng về con đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh huyền thoại luôn thao thức tâm can mỗi con dân đất Việt.

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.