Multimedia Đọc Báo in

4.0 - Cú hích cho những cuộc chuyển mình

09:01, 23/06/2024

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi nhu cầu, phương thức tiếp cận và thị hiếu của công chúng báo chí.

Sự thay đổi này là thách thức song cũng là cơ hội, là động lực cho các cơ quan báo chí, người làm báo thay đổi, tự “làm mới” chính mình để thích ứng, bắt kịp xu hướng phát triển.

Tùy vào điều kiện thực tế, các cơ quan báo chí đã và đang thay đổi tư duy, đầu tư nguồn lực con người, công nghệ để sản xuất, phát triển nội dung trên nền tảng số nói chung, mạng xã hội nói riêng, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả tốt hơn.

Dù ít hay nhiều, mỗi cơ quan báo chí bắt đầu thay đổi quy trình làm báo, quan tâm đầu tư phát triển website, báo điện tử; sử dụng mạng xã hội để phát triển nội dung báo chí; xây dựng, phát triển tệp công chúng; chú trọng nguyên tắc lọc bình luận, quản lý fanpage; tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin; quản trị rủi ro trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội.

Đoàn công tác Báo Đắk Lắk khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển báo điện tử tại Báo Lâm Đồng.

Sự thay đổi nhu cầu, phương thức tiếp cận, thị hiếu của công chúng báo chí kéo theo sự sáng tạo sản phẩm báo chí cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu đọc báo ở nhiều nơi, bằng nhiều định dạng, trên nhiều nền tảng khác nhau của độc giả.

Giờ đây, tác phẩm làm ra không chỉ sử dụng cho duy nhất một loại hình báo chí như trước đây, mà phải có khả năng sử dụng được cho cả báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và trên các nền tảng xã hội. Và trong một tác phẩm báo chí hội tụ nhiều loại hình (báo in, truyền hình, phát thanh, hình ảnh, đồ họa…).

Tất nhiên đội ngũ phóng viên của các cơ quan báo chí không thể nằm ngoài guồng vận động mới này, bắt buộc cũng phải thay đổi từ nhận thức đến trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Sẽ không còn phóng viên chuyên cho từng loại hình báo chí như: phóng viên phát thanh, phóng viên truyền hình, phóng viên ảnh, kỹ thuật viên, giờ đây tất cả hội tụ trong một - nhà báo đa năng.

Chưa kể với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), nhà báo còn phải am hiểu, sử dụng hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ để các “phóng viên robot”, “nhà báo robot” hỗ trợ nhiều phần việc trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí mà lâu nay các nhà báo chuyên nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức xử lý.

Phóng viên Báo Đắk Lắk (bìa trái) làm video bằng điện thoại thông minh.

Quả thật sự thay đổi trong cách thức tác nghiệp, cách thức sáng tạo tác phẩm báo chí hiện nay là điều không hề dễ với các nhà báo “có tuổi’’, vốn quen với đặc trưng, yêu cầu của loại hình báo chí mà mình gắn bó; ngại học, ngại ứng dụng công nghệ vào công việc làm báo.

Đây chính là lực cản của nhiều cơ quan báo chí khi phát triển theo xu hướng báo chí đa nền tảng trong bối cảnh các nguồn lực về nhân lực, công nghệ, trang thiết bị vừa thiếu, vừa lạc hậu, đặc biệt là chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng làm báo đa phương tiện.

“Không có giải pháp nào khác hơn, từng phóng viên, nhà báo trong mỗi tòa soạn phải tự học, nắm vững công nghệ, thường xuyên cập nhật công nghệ mới để làm công việc của mình tốt hơn; một người làm được nhiều việc, nếu không muốn bị... tụt lại phía sau” - PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.

Về phía các cơ quan báo chí phải nhận thức được thách thức trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, phải nhận diện, đánh giá chuẩn xác mình đang ở đâu trong công cuộc chuyển đổi số báo chí để chuẩn bị tâm thế cần thiết, quan trọng hơn phải thấy được nhu cầu phải đổi mới về công nghệ, thiết bị theo hướng ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp hơn, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, các sản phẩm báo chí. Chỉ có như thế mới có “chỗ đứng” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về thông tin giữa các cơ quan báo chí và với truyền thông xã hội.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc