Cần có chương trình giáo dục cấp quốc gia về chủ quyền biển đảo
Bài viết “Những cánh thư “vượt sóng” đến Trường Sa” của tác giả Lê Thành trên Báo Đắk Lắk số đặc biệt ngày 30/4/2024 gợi cho tôi nhiều suy ngẫm.
Những lá thư của các em học sinh từ mọi miền đất nước gửi đến các chiến sĩ ở Trường Sa không chỉ chứa đựng tình cảm thân thương, trong trẻo của các em mà còn thể hiện nhận thức về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần ban hành một chương trình về giáo dục biển, đảo cấp quốc gia với dung lượng kiến thức phù hợp.
Giáo dục lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền biển đảo quốc gia trong học sinh, sinh viên là công việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự trân trọng, lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với các cán bộ, chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc sẽ trở nên bền vững, sâu sắc hơn khi gắn với sự hiểu biết đầy đủ về lịch sử.
Từ sau việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và chủ quyền biển đảo nói chung đã trở thành một chủ đề được nhiều học sinh, sinh viên quan tâm, chú ý tìm hiểu nhưng các em lại thiếu những nguồn thông tin chính thống vừa đầy đủ lại vừa mang tính cập nhật thời sự.
Các phóng viên tranh thủ tác nghiệp từ xuồng công tác vào các điểm đảo ở Trường Sa. Ảnh: Mai Thắng |
Những thông tin hiện nay vẫn chủ yếu ở mức trang bị kiến thức cơ bản; rất nhiều học sinh, sinh viên có nhu cầu tìm hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn nữa về lịch sử oanh liệt của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Học sinh, sinh viên cần được trang bị một cách hệ thống và đầy đủ từ những nguồn đảm bảo nhất, đáng tin cậy nhất, kịp thời nhất thay vì để các em tự tìm hiểu và “đi lạc” vào một biển thông tin thiếu kiểm chứng đầy rẫy trên Internet và các mạng xã hội.
Tôi từng dẫn sinh viên đi thực tế tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Tại đây, các em đã được nghe hướng dẫn viên thuyết minh về các bản đồ cổ nằm trong chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Những bản đồ cổ được sưu tầm từ nhiều nguồn, chủ yếu là của các nhà khoa học nước ngoài và những câu chuyện sinh động đầy cảm xúc về quá trình gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã khiến các bạn trẻ say mê lắng nghe. Tư liệu phong phú cộng với sự truyền đạt tuyệt vời của cô hướng dẫn viên khiến cho các bạn sinh viên vô cùng xúc động, thậm chí có bạn rơi nước mắt khi nghe kể về sự hy sinh anh dũng của bộ đội ta. Có em nói với tôi rằng có một số tư liệu các em đã xem trên Internet rồi nhưng qua lời thuyết minh của cô hướng dẫn viên tất cả sinh động như những thước phim quay chậm. Những bài học gắn với các hình ảnh trực quan cụ thể giúp kiến thức dễ đi vào đầu hơn, nhớ lâu hơn. Nhờ có chuyến thực tế đó, Hoàng Sa, Trường Sa đã không còn xa các bạn nữa.
Giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ là một công việc vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong và phát triển bền vững của đất nước, vừa dễ lại vừa khó thực hiện. Thiết nghĩ, nếu Bộ GD-ĐT có được những chương trình hoàn thiện, sinh động được tổ chức phù hợp thì việc giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho học sinh, sinh viên mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn.
Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc