Multimedia Đọc Báo in

Để trẻ an toàn trên xe đưa đón

07:05, 18/06/2024

Vừa qua, dư luận bàng hoàng, đau xót trước thông tin một học sinh mầm non ở tỉnh Thái Bình tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón.

Bi kịch này từng xảy ra 5 năm trước đối với một học sinh lớp 1 ở TP. Hà Nội. Những người liên quan đã bị khởi tố về tội “vô ý làm chết người” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 128 và Điều 360 Bộ luật Hình sự và chắc chắn sẽ phải trả giá bằng những án phạt nghiêm khắc. Riêng đối với các gia đình mất con, nỗi đau này không gì có thể bù đắp.

Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu tán thành việc bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a, khoản 1 và khoản 2, Điều 46 của Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong bối cảnh hoạt động của xe đưa đón học sinh đang có nhiều khoảng trống về pháp luật, việc quy định chặt chẽ với loại hình vận tải này rất cần thiết. Tuy nhiên, để quy định thực sự đi vào cuộc sống thì con người thực thi mới là yếu tố quyết định.

Giáo viên Trường Mầm non Đức Tài hướng dẫn trẻ nhấn còi phát tín hiệu kêu cứu trong tình huống xe đóng kín cửa.

Trường Mầm non Đức Tài (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) là một trong số ít các trường mầm non có dịch vụ đưa, đón trẻ tận nhà. Hoạt động này được duy trì từ khi thành lập trường vào năm 2020 đến nay theo nhu cầu của phụ huynh. Theo đó, nhà trường tổ chức hai xe đưa đón với quãng đường tối đa là 10 km. Hiện, có 40 cháu đang sử dụng dịch vụ đưa đón tận nhà.

Theo cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Tài, ngay từ khi tổ chức dịch vụ đưa đón trẻ tại nhà, Ban giám hiệu đã xây dựng quy trình hoạt động, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân thực hiện công việc này.

Cụ thể, lái xe phải xác định rõ trách nhiệm quản lý xe, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; nắm rõ điểm dừng đón trẻ, số trẻ được đón, trả mỗi chuyến và phải kiểm tra từ đầu đến cuối xe ít nhất một lượt trước khi khóa cửa. Bảo mẫu chịu trách nhiệm tiếp nhận trẻ phải ghi chép, đánh dấu vào nhật ký ngay khi trẻ lên hoặc xuống xe và bàn giao nhật ký này cho giáo viên đứng lớp. Tất cả các trường hợp học sinh vắng học mà phụ huynh chưa báo lý do, giáo viên chủ nhiệm phải liên lạc với phụ huynh ngay trong đầu buổi sáng để nắm cụ thể thông tin, tình hình của trẻ.

Việc tuân thủ quy trình đưa, đón trẻ cũng như các quy trình hoạt động khác của nhà trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là kỷ luật lao động bắt buộc đối với mỗi giáo viên, nhân viên. Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất, tránh việc lơ là ở bất cứ khâu nào, đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ khi đến trường.

Hoạt động hướng dẫn kỹ năng an toàn trên xe đưa đón của Trường Mầm non Đức Tài.

Khi xảy ra sự việc đau lòng đối với cháu bé ở tỉnh Thái Bình, Trường Mầm non Đức Tài đã tổ chức ngay hoạt động hướng dẫn trẻ các kỹ năng thoát hiểm trong tình huống tương tự, sử dụng chính các xe đưa đón của nhà trường để các em quan sát, thực hành. Quy trình thoát nạn khi ở trong xe khóa kín gồm 4 bước: giữ bình tĩnh và ngồi vào ghế lái; bấm còi phát tín hiệu kêu cứu; bật đèn cảnh báo của xe; mở cửa xe ở vị trí ghế lái để thoát ra ngoài. Tất cả học sinh đều tiếp thu rất nhanh và thực hiện chuẩn xác các thao tác trên.

Các giáo viên còn xây dựng hai video clip hướng dẫn dành cho trẻ em và cho phụ huynh, đăng tải rộng rãi trên trang fanpage của nhà trường và được nhiều người chia sẻ, lan tỏa. Hoạt động này sẽ được duy trì trong chương trình kỹ năng của tất cả các lớp học để học sinh luôn ghi nhớ, nắm vững thao tác và có thể thoát hiểm nếu chẳng may bị bỏ quên trên ô tô nói chung.

Cô Trần Thị Hải Yến cũng cho rằng, việc đưa các quy định chặt chẽ về hoạt động của xe đưa đón học sinh là vô cùng cần thiết và cấp bách, tránh những sự cố đáng tiếc như những vụ việc vừa qua.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.