Điểm tựa cho ngư dân bám biển
Không chỉ là nơi sửa chữa tàu thuyền khi xảy ra sự cố, hỏng hóc, các âu tàu ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) còn được xem như những “ngôi nhà chung” giữa biển khơi để ngư dân tránh trú bão và thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá, giúp họ vững tin hơn trong mỗi chuyến đánh bắt hải sản xa bờ.
Những ngày đầu năm 2024, chúng tôi có mặt tại đảo Trường Sa cũng là thời điểm ngư dân Nguyễn Quang Thạch (quê thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đưa con tàu mang số hiệu BĐ 97445 TS cập vào âu tàu của đảo để xin cấp nước ngọt.
Tàu vừa neo, kỹ thuật viên âu tàu đã nhanh chóng vận hành máy, bơm nước vào các thùng chứa trên khoang; đồng thời, tặng thêm một số nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, nước mắm, bột ngọt… và cả lá cờ Tổ quốc để thuyền viên treo trên nóc tàu.
Các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. |
Ông Thạch cho biết, trước đây, tàu thường đánh bắt gần bờ hoặc nếu ra ngư trường Trường Sa thì cũng chỉ trong khoảng gần một tháng rồi lại quay vào bờ để tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm khác.
Vì vậy, việc đánh bắt hải sản không mấy hiệu quả. Từ khi âu tàu trên các đảo đi vào hoạt động, ngư dân có thể nhanh chóng vào tránh trú bão, hoặc mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm như trong đất liền và được cấp miễn phí nước ngọt.
Khi thuyền viên đau ốm còn được quân y trên các đảo thăm khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí. Ngày nay, các chuyến đi biển thường kéo dài trên 3 - 4 tháng, ngư dân rất yên tâm vươn khơi đánh bắt xa bờ.
Tại đảo Đá Tây A, ngoài một âu tàu rộng lớn được bao bọc bởi bờ đê bê tông kiên cố còn có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá - thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp dịch vụ để ngư dân đánh bắt hải sản. Điều ấn tượng nhất khi đến đây là cảnh tàu thuyền ngư dân luôn tấp nập vào ra tiếp nhận dầu, thực phẩm, đá lạnh…
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A vận chuyển đá lạnh xuống tàu cho ngư dân. |
Huyện đảo Trường Sa hiện đang duy trì 4 âu tàu tại các đảo Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn và Trường Sa. Những âu tàu ở Trường Sa đã và đang phát huy tốt các công năng hiện có. Đây không chỉ là nơi thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá mà còn là nơi tránh trú an toàn, là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ phát triển kinh tế, góp phần khẳng định ngư trường, khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc”. Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Lê Đình Hải
|
Ngư dân Ngô Văn Tiến, Thuyền trưởng tàu BĐ 98624 TS và các thuyền viên gấp rút nạp thêm đá lạnh lên tàu. Tay thoăn thoắt, vừa làm anh vừa chia sẻ: “Chuyến vươn khơi nào tàu của tôi cũng đều ghé vào đây để tiếp nhiên liệu dầu chạy máy và đá lạnh, gạo, mì ăn liền, nước mắm…
Nhờ có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo nên bà con ngư dân cũng thuận lợi hơn trong mỗi chuyến đi biển, vợ con ở nhà vì thế cũng an tâm hơn khi chồng đi đánh bắt xa bờ.
Điển hình, mới tháng trước, tàu của tôi bị gãy trục chân vịt khi đang đánh bắt cách đảo khoảng hơn 20 hải lý và được tàu bạn dắt vào đây để sửa chữa miễn phí. Ngay hôm sau, sự cố được khắc phục xong, tàu lại tiếp tục ra vùng đánh bắt hải sản”.
Cách nơi các tàu cá đang tiếp liệu vài chục bước chân là cửa hàng dịch vụ hậu cần, nơi bày bán các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Mạnh Tưởng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A cho hay, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, Trung tâm đã khai thác tối đa năng suất của nhà máy nước đá để bảo đảm cung cấp cho ngư dân; đưa vào vận hành kho lạnh, kho đông nhằm đáp ứng nhu cầu bảo quản lượng thủy sản thu mua của ngư dân. Kho lạnh của trung tâm có thể dự trữ và cung cấp trên 800 cây đá mỗi ngày; kho đông có thể đáp ứng ướp được 5 tấn cá/ngày.
Ngoài ra, trung tâm còn triển khai dịch vụ cho ngư dân thuê kho để tích trữ thủy sản và triển khai thu mua thủy sản của ngư dân với mức giá bằng với đất liền.
Với chức năng cung ứng dịch vụ hậu cần nghề biển, năm 2023, Trung tâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 2.000 lượt tàu của ngư dân vào tránh trú; hỗ trợ miễn phí hơn 2.400 m3 nước ngọt, cấp trên 115.000 cây đá lạnh, khoảng 282.000 lít dầu và sửa chữa 40 chiếc tàu cho ngư dân…
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở Trường Sa là công trình dân sự, có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên biển. Có dịch vụ cung ứng sẽ giúp duy trì sự hiện diện thường xuyên của các tàu dân sự hoạt động trên vùng biển Trường Sa; khai thác tốt nguồn tài nguyên xa bờ, tạo điều kiện cho việc tái tạo môi trường sinh vật biển, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc