Giai đoạn 2024 - 2026: Đắk Lắk đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Sáng 6/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Đề án đưa người lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2024 - 2026 (sau đây gọi tắt là Đề án).
Tham dự hội nghị có đồng chí H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Phòng LĐ-TBXH các địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Giai đoạn 2018 - 2023, toàn tỉnh có 7.144 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chiếm 3,85% tổng số lao động được giải quyết việc làm (tổng số lao động được giải quyết việc làm giai đoạn này là 185.500 người), chủ yếu ở các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ả rập Xê út… với các ngành nghề: cơ khí, sản xuất chế tạo, xây dựng, lắp ráp điện tử, nông nghiệp, giúp việc gia đình. Thu nhập bình quân khoảng 25 - 30 triệu đồng/người/tháng.
Người lao động tìm hiểu về thị trường xuất khẩu lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024 tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Dù đạt được những kết quả nhất định, song công tác đưa người lao động tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn tồn tại, khó khăn: chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; người lao động có thông báo xuất cảnh mới được hỗ trợ các chính sách về vốn vay ưu đãi để đóng các khoản phí tư vấn, học phí dẫn đến nhiều người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động nhưng không đi được...
Giai đoạn 2024 - 2026, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đưa 7.500 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (năm 2024 là 2.000 lao động; năm 2025 là 2.500 lao động và năm 2026 là 3.000 lao động).
Bà Trần Thị Thiết, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên trao đổi về những bất cập trong công tác đào tạo nguồn nhân lực xuất khẩu lao động. |
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những khó khăn, đề xuất giải pháp căn cơ trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, như: lao động của tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, ở vùng nông thôn; cấp ủy, chính quyền một số các xã, phường, thị trấn chưa nhận thức rõ xuất khẩu lao động là giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo hiệu quả cao. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đề xuất UBND tỉnh nên thành lập Trung tâm đánh giá năng lực, tay nghề của học sinh cũng như chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; cần mở rộng thị trường xuất khẩu lao động sang các nước Châu Âu...
Bà H'Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời đề nghị các thành viên Tổ giúp việc nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, chỉnh sửa, bổ sung, sớm hoàn thiện dự thảo Kế hoạch.
Các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương; trong quá trình thực hiện Đề án có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo với Ban Chỉ đạo để có những tháo gỡ kịp thời.
Các địa phương cần cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và xác định cái khó khăn nhất trong công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng tại địa phương để tập trung tháo gỡ…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, để thực hiện Đề án có hiệu quả, cần chọn các doanh nghiệp uy tín, trách nhiệm để liên kết chặt chẽ, không để sai sót, ảnh hưởng đến người lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần lựa chọn thị trường lao động đảm bảo điều kiện lao động tốt, thu nhập cao. Các sở ngành, các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông sâu rộng Đề án để người lao động trong tỉnh có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi về học nghề, xuất khẩu lao động…
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc