Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện đời sống nhờ xuất khẩu lao động

07:22, 15/12/2023

Trong những năm gần đây, đời sống của nhiều gia đình trên địa bàn huyện Krông Bông đang dần được cải thiện và khấm khá lên nhờ có nguồn thu nhập từ người nhà đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Gia đình bà Lê Thị Phi Yến (tổ dân phố 7, thị trấn Krông Kmar) vốn thuộc diện hộ nghèo. Kinh tế của gia đình bà chủ yếu phụ thuộc vào nghề trồng lúa và nấu rượu nên không đủ trang trải cuộc sống. Thế nhưng bốn năm nay, kể từ khi con trai Lê Đăng Khoa đi XKLĐ tại Nhật Bản, cuộc sống của gia đình bà đã đổi thay.

Bà Yến cho hay, thấy trong thị trấn có nhiều người đi XKLĐ có thu nhập ổn định gửi về cho gia đình xây nhà cửa, có vốn làm ăn nên bà đã động viên con trai út đi XKLĐ. Đầu năm 2019, bà Yến quyết định bán đi một phần đất của gia đình, lo chi phí cho con trai sang Nhật Bản làm việc.

Gia đình bà Lê Thị Phi Yến (tổ dân phố 7, thị trấn Krông Kmar) có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi nhờ có con đi xuất khẩu lao động.

Vốn là cử nhân ngành xây dựng nên khi sang Nhật Bản, anh Khoa được bố trí làm việc tại một công ty sản xuất gỗ ép. Nhờ có trình độ chuyên môn, lại chăm chỉ và chịu khó, anh được công ty trả mức lương khá cao, ngay trong tháng đầu tiên anh đã có tiền gửi về cho gia đình. Mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí, anh Khoa đều đặn gửi về cho gia đình hơn 20 triệu đồng.

 

“Thu nhập bình quân của một lao động khi XKLĐ sau thời gian 3 - 5 năm làm việc dao động ở mức từ 1 - 1,5 tỷ đồng. Hầu hết những trường hợp lao động có điều kiện kinh tế khó khăn sau khi XKLĐ trở về thì đều thoát nghèo bền vững. Qua đó, đã tạo được hiệu ứng lan tỏa cũng như sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với những lao động khác về XKLĐ" - Đinh Trần Thị Bích Nga, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông.

Chỉ sau một năm, từ khoản tiền con trai gửi về, bà Yến đã trả được số nợ vay trước đó; đồng thời có vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, heo và đào ao nuôi cá để phát triển kinh tế. Giờ đây, với tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm đã giúp gia đình bà không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá ở địa phương. “Nhìn vào sự thay đổi của gia đình tôi, nhiều gia đình trên địa bàn cũng quan tâm tìm hiểu để cho người nhà đi XKLĐ”, bà Yến chia sẻ.

Không chỉ lo cho bố mẹ, sau khi hoàn thành hợp đồng XKLĐ trở về nước, với số vốn tích lũy được, anh Khoa đã đi TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Anh mua xe tải để kinh doanh dịch vụ, đầu tư chăn nuôi và phát triển nghề nấu rượu của gia đình. Đến nay, anh đã xây dựng nhà cửa khang trang và có cuộc sống ổn định cùng vợ và hai con.

Chỉ hơn một năm trước, bà H’Oăn Liêng (buôn Ja, xã Hòa Sơn) cùng vợ chồng, con gái và 5 đứa cháu phải sống trong căn nhà sàn cũ kỹ, đã xuống cấp. Gia đình 8 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào nguồn thu từ 2 sào ruộng trồng lúa và 1 sào đất trồng điều đã già cỗi nên thường rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Nhưng nay, gia đình bà H’Oăn đã xây được ngôi nhà sàn mới kiên cố và có cuộc sống thoải mái hơn nhờ có tiền của cậu con trai Y Trim Liêng đang làm việc ở nước ngoài gửi về.

Bà H'Oăn cho biết, Y Trim từng làm nghề hướng dẫn viên du lịch ở đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không có việc làm nên năm 2020 anh đành trở về quê, phụ giúp gia đình làm nương rẫy. Trong thời gian nghỉ ở nhà, qua giới thiệu của bạn bè, anh được biết việc đi XKLĐ tại Malaysia có thu nhập cao nên đã quyết định học ngoại ngữ để “xuất ngoại”.

Tháng 5/2022, anh Y Trim sang Malaysia và được giới thiệu làm việc tại một công ty lữ hành. Thời gian đầu mới sang còn nhiều khoản phải chi tiêu nên anh chỉ gửi về cho gia đình 5 triệu đồng/tháng. Đến nay khi đã ổn định công việc thì số tiền tiết kiệm gửi về đã tăng lên hơn 10 triệu đồng/tháng. “Với số tiền con trai gửi về, một phần tôi dùng chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, còn lại tôi đầu tư mua phân bón, cây giống để cải tạo vườn cây và mua thêm bò nuôi với quyết tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”, bà H’Oăn cho hay.

Bà H’Oăn Liêng (buôn Ja, xã Hòa Sơn) trong ngôi nhà sàn mới với đầy đủ tiện nghi.

Gia đình bà Yến, bà H’Oăn chỉ là hai trong số nhiều gia đình trên địa bàn huyện Krông Bông nhờ có con em, người thân đi XKLĐ mà có cuộc sống khấm khá, ổn định hơn. Họ không những xây dựng được nhà cửa khang trang mà còn có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh để từng bước nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu chính đáng.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc