Multimedia Đọc Báo in

“Hãy để các em phát triển tự nhiên”

14:06, 17/06/2024

“Hãy để các em phát triển tự nhiên” là câu nói nổi tiếng của thầy hiệu trưởng Trường Tomoe trong cuốn tự truyện “Totto-chan bên cửa sổ” của tác giả Kuroyanagi Tetsuko  (Nhật Bản).

Cuốn tự truyện “Totto-chan bên cửa sổ” được xuất bản lần đầu ở Nhật Bản vào năm 1981 và tới nay đã trở thành tác phẩm văn học kinh điển bởi những quan điểm, tư tưởng tiến bộ về giáo dục.

Tại Việt Nam, cuốn sách “Totto-chan bên cửa sổ” được nhiều nhà xuất bản phát hành, gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt Nam với câu chuyện về cô bé Totto-chan bị cho thôi học vì quá năng động và lạ lùng so với các bạn. Trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku có lớp học là những toa tàu cũ với năm mươi học sinh đặc biệt. Nhưng vượt qua những trở ngại và khác biệt tính cách, các học sinh ở Tomoe đều hòa hợp, yêu thương, chia sẻ cùng nhau.

Những chi tiết hồn nhiên nhưng đáng suy ngẫm về giáo dục trong cuốn sách “Totto-chan bên cửa sổ” vừa được tái hiện sống động với phiên bản hoạt hình cùng tên. Bộ phim được công chiếu rộng rãi tại Việt Nam trong những ngày đầu hè 2024 đã một lần nữa gợi lên rất nhiều điều về mô hình trường học hạnh phúc, về sự đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Câu nói của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku “Hãy để các em phát triển tự nhiên” cùng với hàng loạt chi tiết thể hiện sự tôn trọng, sự khuyến khích tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh đối với từng học sinh của thầy khiến chúng ta mơ ước có cơ hội được học hỏi với những người như thầy. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì cô bé Totto-chan là một em bé mắc chứng “tăng động”.

Totto-chan quá hiếu động và không thể ngồi yên trong lớp học. Trong cuốn tự truyện, tác giả Kuroyanagi Tetsuko đã viết: "Nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác là một đứa bé hư mà mọi người gán cho". Ở trường Tomoe, học sinh sẽ được phát triển tự nhiên vì "ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô". Các em học sinh được lắng nghe, được thấu hiểu với những phương pháp dạy học đặc biệt. Khi thì nhà trường cho học sinh cùng bơi không cần áo phao, khi thì học sinh được đi dạo vào buổi chiều để khám phá những điều mới về thế giới tự nhiên.

Học sinh được học những môn học mình yêu thích không theo thời khóa biểu và cả những điều mới mẻ về “món ăn của núi và món ăn của biển” mà học sinh được chia sẻ cùng nhau trong giờ ăn trưa. Tất cả những điều đó đã tạo nên một môi trường học thân thiện. Thầy cô hết sức tâm lý, thấu hiểu học sinh và quan trọng nhất là học sinh luôn cảm nhận được tình yêu của thầy cô dành cho mình.

Nếu như thầy hiệu trưởng đã mắng Totto-chan khi cô bé phá tung mọi thứ, nói lời chì chiết vì cho rằng Totto-chan thật hư hay thậm chí chê cười những câu chuyện cô bé kể thì mọi thứ cũng theo đó mà đổi thay. Tình yêu thương và sự khích lệ trong giáo dục là những giá trị cốt lõi, giá trị phổ biến của mọi nền giáo dục. Bởi vậy, người ta thường mơ ước được như cô bé Totto-chan có may mắn vào học một trường như Tomoe và được gặp thầy hiệu trưởng như ông Kobayashi. Người ta cũng mong ước rằng, những người làm giáo dục, bao gồm cả cha mẹ học sinh có thể thoát khỏi khuôn nếp áp đặt, tự tạo ra "tư duy mới" trong việc chăm sóc dạy dỗ con em.

Thông điệp người lớn cần lắng nghe trẻ em, tạo cơ hội và bầu không khí thoải mái để các em được nói lên ý kiến của mình là thông điệp tưởng chừng như quá cũ nhưng dường như vẫn gặp nhiều khó khăn để có thể thành hiện thực. Trong bối cảnh vẫn hiện hữu một nền giáo dục đặt thành tích và sự ganh đua lên hàng đầu thì “Totto-chan bên cửa sổ” luôn có ý nghĩa như sự nhắc nhở về một nền giáo dục mà mọi trẻ em mong ước.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.