Làm báo - Không chỉ là một nghề mà còn là sứ mệnh
Câu hỏi “Làm báo là một nghề hay một sứ mệnh?” được PGS.TS. Trần Hữu Quang đưa ra cho chúng tôi thảo luận khi ông lên lớp trong một chương trình đào tạo xã hội học.
Câu hỏi này đến từ thực tế là, trong xã hội hiện đại, báo chí đang tạo ra một không gian công cộng mà trên nguyên tắc, ai cũng có thể bước chân vào trong khi làm báo luôn được khẳng định là một nghề riêng biệt.
Lớp bồi dưỡng kỹ năng viết chuyên luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Gần đây, trong những cuộc trò chuyện về cơ hội nghề nghiệp của các sinh viên, tôi vẫn thường nhắc tới cơ hội đến với nghề làm báo như một cơ hội mở cho tất cả mọi người, nhất là những người có thói quen quan sát, ưa suy ngẫm và thích thể hiện quan điểm, suy nghĩ bằng cách viết. Rất dễ nhận ra thực trạng là, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước khác, nhiều nhà báo không tốt nghiệp ngành báo chí, mà có thể xuất thân từ các ngành khoa học xã hội và nhân văn, trong đó chủ yếu là các ngành ngữ văn, kinh tế, chính trị, sử học, ngoại ngữ, xã hội học... Cũng có một số nhà báo cho biết đã từng học các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Tôi làm nghề dạy học, gửi bài cộng tác với Báo Đắk Lắk từ năm 2008. Cá nhân tôi viết báo vốn không bởi bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài mà do sự thôi thúc từ bên trong. Viết báo khiến tôi thấy cuộc đời mình còn nhiều ý nghĩa: vui với nghĩ suy, vui với việc đọc và vui với điều mình nghĩ được chia sẻ rộng rãi cùng nhiều người trong phạm vi không gian công cộng. Những bài giảng của tôi nhờ vậy mà cũng trở nên sinh động, gần gũi và hữu ích hơn với sinh viên. Và nhờ đọc Báo Đắk Lắk thường xuyên, tôi biết, có rất nhiều người cũng như tôi, viết báo mà không phải là nhà báo.
Nhìn về lịch sử báo chí, nhiều nguồn tài liệu cho biết, báo chí lúc đầu chưa được nhìn như một nghề thực thụ mà chỉ được coi như một hoạt động chủ yếu mang sứ mệnh văn hóa hay sứ mệnh chính trị, cho tới khi báo chí phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa và trở thành một nghề nghiệp riêng biệt.
Vì sao tôi khuyến khích các sinh viên của mình tích cực đọc và viết để có cơ hội trở thành nhà báo nếu có mục tiêu nghề nghiệp trở thành nhà báo? Nhìn ở khía cạnh phẩm chất nghề làm báo, việc trở thành nhà báo không chỉ dựa vào quá trình được đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp ở trường lớp và bằng cấp mà họ đạt được. Dường như, phẩm chất người làm báo chủ yếu dựa vào những nguồn lực như: khả năng diễn đạt, khả năng viết, khả năng thấu cảm, khả năng quan hệ xã hội, tiếp cận được những người có thẩm quyền và một số phẩm chất cá nhân như tính trung thực và lòng gan dạ. Phần lớn những kỹ năng và phẩm chất này đều chủ yếu có được nhờ vào quá trình tự rèn luyện thông qua kinh nghiệm và hoạt động thực tiễn.
Vậy trở lại với câu hỏi được đặt ra lúc ban đầu: làm báo là một nghề hay một sứ mệnh? Trước hết thì, nghề nào cũng có sứ mệnh. Hơn nữa, khái niệm sứ mệnh không hề đối lập với khái niệm nghề nghiệp.
Thế nhưng, do không gian báo chí có khả năng ảnh hưởng tới rất nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội, có khả năng tác động xã hội lớn nên làm báo không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh. Tôi nhớ rất rõ mệnh đề này được thầy trò chúng tôi thống nhất khi kết thúc buổi học ấy.
Mệnh đề này hàm ý rằng, nghề làm báo không thể chỉ được quan niệm gói gọn vào một số tiêu chuẩn nghiệp vụ nhất định, mà quan trọng hơn, còn phải được đặt trong một không gian xã hội và lịch sử, trong đó sự tín nhiệm của công chúng đối với báo chí là yếu tố cốt tử đối với sự tồn tại của cả nhà báo lẫn tờ báo.
Hiểu theo tinh thần đó thì người làm báo, dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, bao giờ cũng là người kế tục truyền thống “văn dĩ tải đạo” mà cụ Đồ Chiểu đã khắc họa.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc