"Mạnh thường quân” hay “Mạnh Thường Quân”?
Để chỉ người có lòng nghĩa hiệp, hay giúp đỡ người khác, rất nhiều nhà báo thường viết là “mạnh thường quân”, có người lại viết hoa “Mạnh Thường Quân”.
Thậm chí, không ít tờ báo viết song song cả hai dạng, như Báo Thanh Niên điện tử ngày 14/10/2014 có bài “Mạnh Thường Quân của giới trẻ”, đến ngày 25/11/2018 lại có bài “Nhóm mạnh thường quân Quảng Ngãi tại TP. Hồ Chí Minh tiếp sức học sinh nghèo”.
Vậy, đâu là cách viết đúng?
Nếu truy về nguồn gốc của từ, viết hoa mới là cách viết đúng quy định chính tả hiện hành. Vì “Mạnh Thường Quân” là danh từ riêng, cụ thể là tên hiệu của một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc.
Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn (? - 279 TCN). Ông người nước Tề, làm quan tới chức Tể tướng, là người giàu có, hào hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà lúc nào cũng có rất nhiều khách.
Trong văn chương và ngôn ngữ sinh hoạt, Mạnh Thường Quân là điển chỉ người có lòng tốt, hay cưu mang người gặp khó khăn, về sau phái sinh thêm nét nghĩa chỉ người hoạt động từ thiện, nhà tài trợ.
Có một hiện tượng thú vị trong quá trình tiếp biến văn hóa Hán học của người Việt là việc Việt hóa một cách triệt để nhiều yếu tố vay mượn, trong đó có điển cố. Nhiều điển vốn là tên riêng, cụ thể là tên người như “Lưu Linh” (chỉ người say sưa), “Đạo Chích” (chỉ kẻ trộm cắp); địa danh như “Thiên Thai”, “Bồng Lai” (chỉ cảnh đẹp như cõi tiên)… được sử dụng phổ biến đến mức người ta không còn nhận ra tư cách điển cố của chúng.
Những điển này dần bị “từ hóa”, tức là trở thành những từ ngữ thông thường, người Việt có thể sử dụng đúng ý nghĩa mà không cần quan tâm đến tích chuyện sâu xa, thậm chí hóc hiểm của những điển cố này.
Trong tiếng Việt hiện đại, nhiều điển cố gốc Hán được dùng như những từ ngữ thông thường, nhiều điển là tên riêng đã trở thành những danh từ chung. Đây là nguyên nhân nhiều từ ngữ vốn là điển cố gắn với tên riêng khi được sử dụng lại không cần viết hoa mà “mạnh thường quân” là một điển hình.
Tuy nhiên, dù viết hoa hay viết thường thì thiết nghĩ, không cần thiết phải dùng “Mạnh Thường Quân/mạnh thường quân”, cũng như các từ “Đạo Chích/đạo chích”, “Lưu Linh/lưu linh”…
Vì trước hết, đây là những điển cố gắn liền với các nhân vật trong lịch sử, văn hóa Trung Quốc vốn xa lạ với tâm thức văn hóa, thẩm mỹ người Việt. Mặt khác, tiếng Việt hiện nay có nhiều từ ngữ có thể thay thế một cách rõ nghĩa, thậm chí diễn đạt giàu hình ảnh hơn.
Thay vì “Mạnh Thường Quân/mạnh thường quân”, có thể dùng “người có tấm lòng vàng”, “nhà hảo tâm”, “nhà tài trợ”… Vậy thì, không lý gì ta cứ khư khư sử dụng những điển cố cũ kỹ, có nguồn gốc ngoại lai, lạ hoắc với người Việt hiện nay như “Mạnh Thường Quân”, “Lưu Linh”, “Đạo Chích”…
Phạm Vũ
Ý kiến bạn đọc