Multimedia Đọc Báo in

Nghề báo – Nghề của sự can trường

15:40, 20/06/2024

Nghề báo – nghề của những chuyến xâm nhập thực tế, có lúc phóng viên phải trèo đèo, lội ruộng, băng rừng, vào tâm dịch, tâm lũ, thậm chí cả điểm nóng về tình hình an ninh chính trị để có những bài viết mang hơi thở cuộc sống đến với bạn đọc…

Để có những bài viết “mượt” về ngôn từ, chuẩn về thông tin, phóng viên phải trải qua nhiều công đoạn từ khi thu thập tư liệu đến lúc hoàn thiện tác phẩm. Mỗi phóng viên đều có những thế mạnh về lĩnh vực hay thể tài báo chí, song theo nghề báo, bất cứ phóng viên nào cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng với những tình huống bất ngờ như thiên tai, dịch họa… Chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn hoặc qua thông tin trên mạng xã hội, dù là lúc nửa đêm hay rạng sáng, phóng viên sẵn sàng lên đường đến hiện trường để ghi nhận, phản ánh và mang đến bạn đọc những thông tin chính xác, hình ảnh chân thực nhất.

phỏng vấn Trưởng buôn Jung, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin - địa phương xảy ra vụ khủng bố vào ngày 11/6/2023. Ảnh: Thúy Nga
Phóng viên Báo Đắk Lắk phỏng vấn Trưởng buôn Jung, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin - địa phương xảy ra vụ khủng bố vào ngày 11/6/2023. Ảnh: Thúy Nga.

Trên mặt trận thông tin, các phóng viên không ngần ngại dấn thân vào “điểm nóng”, phóng viên báo Đảng địa phương cũng không ở ngoài cuộc. Có lẽ, người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng, công dân trên dải đất hình chữ “S” nói chung không thể quên được những mất mát, đau thương trong vụ khủng bố tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và UBND xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin xảy ra cách đây hơn 1 năm.

Tôi còn nhớ, khoảng 2 giờ sáng ngày 11/6, phóng viên Hồng Chuyên – phóng viên được giao phụ trách địa bàn huyện Cư Kuin gọi tôi trong trạng thái vừa gấp gáp vừa lo lắng. Chị ơi, hỗ trợ đổi vé máy bay cho em gấp, trong sáng mai em phải bay về Buôn Ma Thuột để xuống địa bàn, Cư Kuin có chuyện rồi. Dù thời điểm đó chưa hề có thông tin chính thức về vụ khủng bố, nhưng sự việc lãnh đạo địa phương và người dân bị giết hại, bị tấn công thì đã có.

Trong sáng 11/6 cho đến xuyên suốt những ngày sau đó, dù con nhỏ, cùng với những nỗi lo khi tác nghiệp ở “điểm nóng”, Hồng Chuyên cùng các phóng viên khác vẫn can trường bám nắm địa bàn để kịp thời chuyển tải thông tin về tòa soạn, tới bạn đọc. Nhà báo Hồng Chuyên từng tâm sự, phụ nữ làm báo quá gian truân, nếu không đam mê, không có “lửa nghề” thì rất dễ bỏ cuộc. Bởi không gian, môi trường làm việc của phóng viên không phải là phòng máy lạnh, không chỉ là ngồi lướt bàn phím, mà đó là cơ sở với muôn hình vạn trạng, hỷ - nộ - ái - ố của cuộc sống hàng ngày.

Phóng viên Báo Đắk Lắk tác nghiệp tại cánh đồng lúa xã Buôn Triết, huyện Lắk.
Phóng viên Báo Đắk Lắk tác nghiệp tại cánh đồng lúa xã Buôn Triết, huyện Lắk.

Nghề báo, chẳng có chuyến đi nào giống chuyến đi nào, mỗi thông tin, sự kiện, mỗi lần tác nghiệp đều phải trải qua những nhọc nhằn, gian khó, đòi hỏi nhà báo phải vừa có trí tuệ lẫn sức khỏe.

Chuyến tác nghiệp vào vùng tâm lũ ở xã Buôn Triết, huyện Lắk vào cuối tháng 7 năm 2023 có lẽ là chuyến đi "mất sức" nhất của nhóm phóng viên (gồm cả báo Trung ương và báo đảng địa phương). Vượt quãng đường dài khoảng 70 km, cảnh tượng trước mắt mà phóng viên chứng kiến là hàng trăm héc-ta lúa sắp đến vụ thu hoạch của bà con ngập chìm trong biển nước, đứng trước nguy cơ mất trắng.

Thời điểm ấy, một đoạn của đê bao qua địa bàn xã Buôn Triết bị tràn bờ, có nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài. Để tiếp cận hiện trường, tôi và các đồng nghiệp phải xách dép lội ruộng gần 2 cây số. Mưa lâu ngày, bờ ruộng trơn trượt, sình lầy, lúa tốt ngang người, việc di chuyển rất khó khăn, thế nhưng không làm nhóm phóng viên nản chí. Đến nơi mới thấy được sự vất vả của bà con, cán bộ địa phương phải dầm mình trong mưa bão, bùn lầy để gia cố, đắp đê, nỗ lực hết sức có thể để cứu lúa. Những hình ảnh đó như thôi thúc nhóm phóng viên càng phải dấn thân, tận tường cơ sở để có những bài viết mang hơi thở cuộc sống.

Phóng viên các cơ quan báo chí đóng chân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tác nghiệp tại vùng tâm lũ của huyện Lắk vào tháng 7 năm 2023.
Phóng viên các cơ quan báo chí đóng chân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tác nghiệp tại vùng tâm lũ của huyện Lắk vào tháng 7 năm 2023.

Nghề báo vốn mang nhiều áp lực, thời gian làm việc không tính bằng giờ mà bằng thông tin, sự kiện. Với ai đã chấp nhận dấn thân theo nghề cũng đồng nghĩa luôn phải đối mặt với những khó khăn, gian nguy trong công việc.

Nghề báo cũng như những nghề khác trong cuộc sống, nếu đủ đam mê, lòng nhiệt huyết và tận tâm thì nhà báo cũng đón nhận được nhiều niềm vui đó là được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người và điều trân quý nhất là được bạn đọc đón nhận…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.