Multimedia Đọc Báo in

Thiết thực việc hỗ trợ bồn chứa nước từ Chương trình 1719

08:36, 07/06/2024

Là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, Buôn Đôn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi nắng hạn; các công trình nước sạch hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Theo kết quả điều tra toàn huyện, năm 2023, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh chỉ đạt gần 54%.

Thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình 1719), Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn đã phối hợp các xã rà soát, tiến hành cấp bồn chứa nước sinh hoạt cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.

Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp người dân huyện vùng biên tích trữ nguồn nước an toàn bất kể mùa mưa nắng.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn (bìa trái) đến thăm, kiểm tra việc sử dụng bồn chứa nước của người dân.

Gia đình ông Hoàng Văn Cát (xã Tân Hòa) có 10 nhân khẩu. Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hằng ngày khá cao, song vì kinh tế khó khăn nên gia đình chỉ có một bồn chứa nước nhỏ. Ông Cát cho biết, chắt chiu mãi, ông bà mới đầu tư được giếng khoan sâu gần 40 m, lượng nước khá dồi dào nhưng ít khi dùng được trực tiếp vì nước bị nhiễm đá vôi. Để khắc phục, gia đình sắm thêm bồn chứa lắng cặn, song vẫn không thấm tháp gì so với nhu cầu nấu nướng, tắm giặt của 10 người. Năm 2023, gia đình ông được hỗ trợ thêm bồn chứa 1.000 lít nước đã góp phần giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt.

 

Hỗ trợ bồn chứa nước là hoạt động thiết thực ở vùng biên, nhất là trong điều kiện nắng nóng, mùa nắng hạn kéo dài như hiện nay. Năm 2024, Phòng Dân tộc huyện tiếp tục tham mưu cho địa phương rà soát, bổ sung, cấp thêm bồn nước sinh hoạt cho khoảng 710 hộ với tổng kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng. Qua đó góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh trên địa bàn”.

 
Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn Nguyễn Quang Trung

Ông Hoàng Văn Đồng (xã Tân Hòa) chia sẻ, những năm trước, cả gia đình ông (5 thành viên) vẫn thường dùng thùng phuy để trữ nước. Vì đựng thùng nhựa, độ bền không cao, không có mặt che đậy nên nước dễ bị bụi bẩn. Từ khi được tặng bồn nước inox có dung tích lớn, gia đình an tâm hơn về chất lượng, không còn lo thiếu nước dùng mỗi khi nắng hạn. Mưa về cũng có thêm bồn dự trữ để bảo đảm ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.

Xã Tân Hòa hiện có hơn 3.000 hộ dân với 14 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 15 thôn. Ông Hoàng Văn Sơn, cán bộ giao thông thủy lợi xã Tân Hòa chia sẻ: Theo khảo sát thực tế, để có nguồn nước sử dụng, đa phần người dân trên địa bàn xã sử dụng nước giếng khoan. Thế nhưng không phải vị trí nào cũng có thể khoan và ngay cả khi khoan được, nước thường có phèn, lắng nhiều cặn đá vôi. Vì vậy, muốn sử dụng an toàn, bà con phải dùng bồn inox để lắng cặn. Thụ hưởng chính sách từ Dự án 1 của Chương trình 1719, trên địa bàn xã đã có 167 hộ khó khăn được tặng bồn chứa nước. Điều này đã góp phần bảo đảm nguồn nước sạch cho cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Bồn chứa nước giúp nhiều gia đình trên địa bàn huyện Buôn Đôn tích trữ nước mùa hạn.

Theo Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn, từ khi Chương trình 1719 của Chính phủ được triển khai, người dân trên địa bàn huyện đã được thụ hưởng, giúp đỡ trên mọi mặt kinh tế đời sống. Riêng năm 2023, trên địa bàn huyện có hơn 600 hộ nghèo thuộc các xã Krông Na, Ea Huar, Ea Wer, Ea Nuôl và Tân Hòa được ưu tiên hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ nước sinh hoạt. Bồn chứa nước inox tặng các hộ dân đều mới 100%, bảo đảm kỹ thuật, chất lượng.

Cùng với việc hỗ trợ đúng người, đúng thời điểm, các cấp, ngành cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng, bảo quản để thiết bị được bền, đẹp, phát huy tối đa hiệu quả.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.