Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò truyền thông chính sách trong thực hiện Chương trình 1719

07:01, 27/10/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719) đang từng bước làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn huyện Ea Kar. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền, thông tin chính sách đến người hưởng lợi.

Để dân biết – dân hiểu – dân tin

Huyện Ea Kar hiện có 12/16 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS, trong đó có 6 xã và 5 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao, với 9,8% (3.869 hộ) và hộ cận nghèo chiếm 7,6% (3.008 hộ); hộ nghèo đồng bào DTTS là 2.640 hộ, chiếm 67,5% tổng số hộ nghèo. Tình hình KT-XH ở những vùng này còn gặp rất nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở còn thiếu thốn, nhận thức của người dân chưa cao... Do đó, việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 được xem là yếu tố quyết định nâng cao đời sống của người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, công tác tuyên truyền được xác định là một trong những giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở vùng đồng bào DTTS; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của đồng bào DTTS, nhất là hộ DTTS nghèo.

Người dân thôn Hạ Long (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) tham gia ngày công làm đường giao thông.

Ông Nguyễn Minh Chuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết, công tác truyền thông chính sách được cấp ủy và chính quyền địa phương rất quan tâm, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, từ cán bộ đến người dân phải nắm và hiểu được các chính sách, từ đó mới thực hiện tốt chính sách.

Đơn cử như việc triển khai làm đường giao thông từ thôn Hạ Long đi thôn 15 (có chiều dài 8,3 km) trên địa bàn xã Cư Prông. Sau khi có dự án, xã đã triển khai xuống thôn để Ban tự quản thôn tổ chức họp dân thông báo và lấy ý kiến. Ông Ngô Văn Then, Trưởng thôn Hạ Long cho hay, thôn đã lập nhóm Zalo để thông tin chính sách, phương án, kế hoạch… làm đường cho bà con nắm bắt; những hộ nào không có điện thoại thì đến từng nhà để thông báo. Nhờ làm tốt công tác truyền thông nên tất cả hộ dân trong thôn đều đồng tình ủng hộ và đã hiến 1.000 m2 đất. “Sau mấy chục năm chung sống với cảnh “mưa lầy, nắng bụi”, 120 hộ dân trong thôn đều mong mỏi có con đường nhựa sạch đẹp để đi lại, lưu thông hàng hóa bớt vất vả. Hiện nay, con đường đang được triển khai xây dựng nên bà con rất vui mừng và sẵn sàng góp ngày công lao động hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng để việc làm đường được nhanh chóng, thuận lợi”, ông Then cho biết thêm.

Và dân hưởng lợi

Cư Prông là xã vùng 3 của huyện Ea Kar, có 9 thôn, buôn (1.168 hộ, 4.987 khẩu); dân cư hầu hết là đồng bào DTTS các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào. KT-XH của xã vẫn còn một số hạn chế nhất định như: kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả không cao; hộ nghèo chiếm khoảng 23%; hộ cận nghèo chiếm khoảng 9,4%… Chương trình 1719 được triển khai trên địa bàn đã góp phần giải quyết những hạn chế nêu trên, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS.

Ông Vũ Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Cư Prông cho biết, địa phương đang triển khai thực hiện 3 dự án thuộc Chương trình 1719. Các dự án này bước đầu đã góp phần thúc đẩy việc phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Đơn cử như năm 2022, từ nguồn vốn của Chương trình 1719 đã đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đập thôn 11, giúp tưới tiêu cho 75% diện tích lúa nước (120 ha); 27 ha cà phê và các loại hoa màu khác trên địa bàn thôn 11, giúp người dân sản xuất hiệu quả hơn, mang lại thu nhập tốt hơn.

Công trình thủy lợi thôn 11 (xã Cư Prông) được đầu tư bảo đảm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, trên địa bàn huyện Ea Kar có 9/10 dự án của Chương trình 1719 được triển khai với tổng số vốn đầu tư năm 2023 gần 114 tỷ đồng. Không chỉ đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống người dân vùng đồng bào DTTS mà các dự án về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị cũng đã góp phần cải thiện thu nhập cho người dân nơi đây, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Ea Kar, đây là một chương trình có ý nghĩa đối với địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Các dự án được triển khai đến đúng các đối tượng được hưởng lợi, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, xây dựng hạ tầng ở một số địa phương đã triển khai và được người dân ghi nhận mang lại hiệu quả thiết thực trong việc góp phần phát triển KT-XH vùng đặc biệt khó khăn. Mặc dù Chương trình 1719 đang gặp những khó khăn về vốn, nhưng huyện đã chủ trương đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực vào các dự án nhằm phát huy nội lực để hoàn thành những mục tiêu của chương trình.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc