Truyền thông đa phương tiện - cơ hội và thách thức
Hiểu một cách đơn giản thì truyền thông đa phương tiện (TTĐPT) là sự kết hợp giữa truyền thông và các hình thức công nghệ, là sự biểu đạt nội dung truyền thông qua các tiện ích, giao thức do công nghệ và kỹ thuật tiên tiến mang lại.
Bạn đọc có thể hình dung, cách đây vài ba thập kỷ, riêng báo chí chỉ có ba loại hình cơ bản: Báo giấy (báo in), báo hình (qua ti vi) và báo nói (qua radio). Nhưng khi công nghệ kỹ thuật số ra đời, báo điện tử xuất hiện cùng Internet. Từ đây sự tích hợp truyền thông tiếp tục cho ra đời các loại hình kết hợp. Chẳng hạn, trên ấn phẩm báo điện tử, bạn không thích hoặc bận làm việc có thể chọn hình thức nghe chỉ bằng một nút bấm.
Cơ hội của báo chí
Thời đại số hóa về bản chất là sự nâng cấp không ngừng TTĐPT. Báo chí truyền thống phải đối mặt với sự thay đổi này và thay vì né tránh nên xem đây là cơ hội. Xét về thông tin, TTĐPT giúp cho bất kỳ một cơ quan báo chí nào dù nhỏ, thậm chí cá nhân cũng ngang bằng với những cơ quan báo chí lớn, thậm chí cả tập đoàn truyền thông. Cũng lấy ví dụ, một người chỉ với chiếc điện thoại di động, có thể đưa tin vụ cháy nổ, tai nạn, thảm họa thiên tai…, và thông tin ấy nếu xác thực, sinh động lập tức có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Phóng viên tác nghiệp tại UBND xã Buôn Tría (huyện Lắk). Ảnh: Lan Anh |
Trên các nền tảng mạng xã hội như youtube, facebook…, nếu báo chí biết khai thác, tận dụng sẽ mang lại số lượng đối tác tiếp nhận thông tin vượt trội. Điều đó cũng đi kèm với những lợi ích kinh tế mang lại thông qua các đơn hàng quảng cáo đi kèm với số lượng người truy cập, theo dõi.
Báo chí với TTĐPT là sự kết hợp, khai thác các lợi thế mà báo chí truyền thống trước đây không thể có. Nếu với báo chí truyền thống, thông tin đưa ra là chấm hết thì ngược lại TTĐPT giúp kéo dài đời sống thông tin, giúp mở rộng, nâng tầm thông tin, nghĩa là thông tin được trở lại, tương tác nhiều lần với đối tác tiếp nhận.
Phương thức tiếp nhận thông tin từ TTĐPT cũng đã thay đổi. Thuật ngữ làng toàn cầu nói lên điều đó. Chỉ trừ những nơi hẻo lánh, khắc nghiệt hoặc người dân quá nghèo khó, còn lại khắp nơi trên hành tinh này, bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau như máy tính, điện thoại di động… đều có thể tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, nhiều người và nhiều cơ quan truyền thông, báo chí. Chính điều này tạo ra cơ hội những cũng đồng thời tạo ra thách thức, đặc biệt với các mô hình cơ quan thông tấn, báo chí truyền thống.
Cạm bẫy thách thức...
TTĐPT làm thay đổi cách thức tiếp cận/tiếp nhận và phản hồi thông tin vì vậy làm nảy sinh những thách thức, trước hết là đội ngũ những người làm báo. Báo chí truyền thống theo kiểu một chiều trước đây khó có thể tồn tại vì một mặt phải cạnh tranh với nhiều dòng chảy thông tin khác, nhanh hơn, nhạy hơn, chi tiết hơn. Trong thập niên trở lại đây, trên nền tảng số, chúng ta có thể nhận thấy thông tin bùng nổ, nhiều chiều như các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, cuộc chiến giữa Nga và Ucraina...
Sự phức tạp của thông tin dẫn đến sự thật bị xô lệch, thậm chí những đối tượng/nhóm người xấu lợi dụng TTĐPT để đưa ra những chuỗi thông tin đánh tráo sự thật, che đậy sự thật. Trong chừng mực nào đó thì kết quả cuối cùng có thể xem như là thảm họa thông tin. Người tiếp nhận thông tin vì vậy cũng trở thành con mồi của TTĐPT.
Vậy, thách thức ở đây chính là việc nâng cao năng lực của đội ngũ báo chí. Nếu không đủ năng lực chuyên môn, không bắt kịp công nghệ, nhà báo chỉ đơn thuần là người phát ngôn đơn giản, không thuyết phục được đối tượng tiếp nhận thông tin. Ở chiều ngược lại, thách thức cho đối tượng tiếp nhận thông tin là việc chọn lựa, xử lý, tìm kiếm sự thật trong chuỗi thông tin mà TTĐPT mang lại.
TTĐPT ví như đường cao tốc, nhà báo hay độc giả (dùng chung cho các đối tượng tiếp nhận thông tin) sử dụng tiện lợi bởi sự thông thoáng, nhiều làn đường, tốc độ di chuyển nhanh. Song cũng ở đường cao tốc, bất trắc xảy ra thường gây thiệt hại nặng nề và nghiêm trọng.
Vẫn phải đi và hãy thông minh hơn
Mượn lời nhà khoa học Galileo Galilei nói “Dù sao trái đất vẫn quay” để nhận định rằng: “Dù sao thì TTĐPT vẫn sẽ luôn phát triển và không dừng lại”. Xu thế phát triển của TTĐPT bắt nhịp song hành với tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ là tất yếu. Nói vậy để thấy, việc tận dụng cơ hội và hạn chế những rủi ro là bài toán dành cho những ai quan tâm hoặc đang thực hiện công việc truyền thông. Đó là con đường rất đẹp nhưng cũng ẩn chứa nhiều cạm bẫy, và quan trọng là vẫn phải đi trên con đường đó, không có chọn lựa khác.
Từ lâu, người ta hay khuyên những ai chọn lựa, mua bán hàng hóa rằng: Hãy là người tiêu dùng thông minh. Thông tin ngày nay cũng là hàng hóa, thậm chí là loại hàng hóa đặc biệt. Chọn lựa, mua bán, sử dụng loại hàng hóa đặc biệt này đòi hỏi người tiêu dùng cũng phải thông minh. Bài học và kinh nghiệm là: Chỉ có một sự thật, một chân giá trị duy nhất trong rất nhiều gói hàng giống nhau về mẫu mã, kích thước và màu sắc…
Triều Nguyễn
Ý kiến bạn đọc