Multimedia Đọc Báo in

Xe đưa đón học sinh: Vẫn “mạnh ai nấy làm”

08:46, 16/06/2024

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh ngày càng tăng cao, nhất là ở khu vực thành phố, đô thị lớn.

Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này còn nhiều bất cập, vẫn “mạnh ai nấy làm”, đặc biệt thiếu sự kiểm tra, giám sát của các bên liên quan dẫn tới những vụ việc đau lòng.

Vụ việc một trẻ mầm non tại tỉnh Thái Bình tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón xảy ra vào cuối tháng 5 vừa qua khiến dư luận bàng hoàng, đau xót và vô cùng bức xúc.

Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ bị bỏ quên dẫn đến tử vong thương tâm trên xe đưa đón học sinh ở nước ta. Cách đây 5 năm (vào năm 2019), một học sinh lớp 1 của Trường Quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) được phát hiện tử vong trên ô tô đưa đón của nhà trường.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, chiếc xe này chưa có giấy phép, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải. Còn trường hợp gây ra cái chết oan cho cháu bé mầm non ở tỉnh Thái Bình, mặc dù các giấy tờ về phương tiện đầy đủ theo quy định, song chính vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của người lớn (lái xe, người phụ trách đưa đón và giáo viên chủ nhiệm) đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Xe đứa đón học sinh tại một trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Tại tỉnh Đắk Lắk, đầu tháng 11/2021 cũng từng xảy ra trường hợp một học sinh lớp 6 tử vong sau khi ngã từ xe ô tô đưa đón học sinh đến trường. Việc đưa đón này do phụ huynh tự hợp đồng với người cung cấp dịch vụ.

Điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Cụ thể, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT đã hướng dẫn chi tiết quy trình đảm bảo an toàn giao thông áp dụng chung cho tất cả các loại hình kinh doanh vận tải, bao gồm cả hoạt động vận tải đưa đón học sinh, trẻ em mầm non.

Trong đó, có quy định đối với người lái xe kinh doanh vận tải hành khách: Sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe.

Mới đây, sau vụ việc cháu bé của trường mầm non ở tỉnh Thái Bình bị tử vong, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh.

Trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng ngành GTVT và cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục, trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh.

Tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông) trên địa bàn có sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh đến trường thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng của học sinh khi lên xe và rời xe; phối hợp với hội phụ huynh làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải.

Một thực tế rằng, sau mỗi vụ việc xảy ra, không ít văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, các trường học vẫn "mạnh ai nấy làm", mỗi cơ sở giáo dục áp dụng một kiểu.

Nhiều trường học và đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh chưa thực hiện việc quản lý và giám sát chặt chẽ, điều này dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm và sự lơ là trong việc kiểm tra và đảm bảo an toàn cho học sinh.

Đáng lo ngại, ở một số nơi tồn tại tình trạng phụ huynh tự gom nhóm học sinh (có thể cùng khu chung cư, cùng tuyến đường, cùng thôn, xóm…) và thuê xe cá nhân để đưa đón con đến trường, dù xe không đăng ký kinh doanh, thậm chí phương tiện đã cũ nát, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các em trong quá trình di chuyển.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.