"Biến" rác thành... tiền
Với ý tưởng sáng tạo cùng đôi bàn tay khéo léo, nhiều chị em đã tái chế những vật liệu tưởng chừng bỏ đi thành những sản phẩm hữu ích, kéo dài vòng đời cho đồ dùng. Những dự án khởi nghiệp từ sản phẩm tái chế này không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn hướng đến tiêu dùng xanh”, góp phần bảo vệ môi trường.
Làm mới đồ jean cũ
Năm 2017, trong một lần dọn dẹp nhà cửa, phát hiện nhiều quần áo jean vẫn còn tốt nhưng đã lỗi thời, chị Lý Thị Kim Bình (buôn Păn Lăm, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) nảy ra ý tưởng tái chế chúng thành những món đồ có ích.
Bất ngờ là khi chị đăng tải hình ảnh những chiếc túi làm từ đồ jean tái chế lên mạng xã hội, có rất nhiều người thích thú và muốn đặt mua. Nắm bắt nhu cầu đó, chị Bình đã lên kế hoạch thiết kế những chiếc túi độc đáo từ đồ jean cũ bị bỏ đi để bắt đầu hành trình khởi nghiệp xanh của mình.
Hằng ngày, chị Bình nhận gom đồ jean cũ từ bạn bè, người quen và các cửa hàng bán quần áo cũ về phân loại, giặt sạch rồi lên ý tưởng cho sản phẩm. Theo chị Bình, việc tận dụng họa tiết đặc trưng từ đồ jean để thiết kế sẽ tạo ra được điểm đặc trưng cho mỗi sản phẩm, là một "phiên bản giới hạn" không “đụng hàng”. Đó cũng là điểm đặc biệt thu hút của túi xách tái chế.
Sản phẩm túi xách từ quần jean cũ do cơ sở của chị Lý Thị Kim Bình tạo ra. |
Hiện tại, sản phẩm đồ jean tái chế “Musty House” của chị Bình chủ yếu được bán online trên Facebook, Instagram, Shopee… với giá từ 60.000 – 400.000 đồng/sản phẩm.
Sau 7 năm gắn bó với việc sản xuất túi từ đồ jean cũ, chị Lý Thị Kim Bình đã gây dựng được cơ sở kinh doanh và tạo việc làm cho 5 lao động là phụ nữ trên địa bàn với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, cơ sở của chị bán ra thị trường hơn 7.500 sản phẩm túi vải các loại, doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng.
“Không chỉ đơn thuần làm các sản phẩm tái chế để kinh doanh, mà từ mỗi chiếc túi được đưa ra thị trường, chúng tôi mong muốn nó sẽ là một đại sứ, viết nên câu chuyện truyền cảm hứng về việc bảo vệ môi trường, để ai cũng có thể tận dụng lại những món đồ thời trang cũ, biến chúng thành sản phẩm có giá trị thay vì trở thành rác thải, góp phần đưa lối sống xanh lan tỏa rộng hơn đến cộng đồng”, chị Bình chia sẻ.
Biến rác thải nhựa thành sản phẩm hữu ích
Nhận thấy trên địa bàn huyện có nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, các công trình, cửa hàng bán hoa quả hằng ngày thải ra một lượng lớn các loại dây nhựa, chị H’Âu Niê (buôn Tlung, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) đã dùng chúng để tạo ra những món đồ thủ công tiện dụng.
“Lúc đầu, tôi thấy tiếc vì những dây đai rất đẹp mà lại bị vứt. Hơn nữa, nếu đốt sẽ ảnh hưởng nhiều đến môi trường nên tôi đã tận dụng đan thành những chiếc giỏ, những vật dụng để gia đình sử dụng. Đây là sản phẩm tái sử dụng, có thể thay thế cho túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, hạn chế rác thải nhựa thải ra môi trường”, chị H’Âu cho hay.
Cuối năm 2023, chị H’Âu vận động chị em trong buôn tham gia Tổ đan lát thủ công dây đai nhựa để kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn và nhờ các tổ chức hội, đoàn thể kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chị H'Âu Niê thuyết trình về ý tưởng “Đan lát thủ công tái chế từ dây đai nhựa” tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024. |
Theo chị H’Âu, công việc này khá đơn giản nên ai cũng có thể làm tại nhà những lúc rảnh rỗi. Thường ngày, các chị đến những cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, cửa hàng bán hoa quả, tạp hóa trên địa bàn huyện để thu gom dây đai nhựa, sau đó mang về làm sạch rồi phân loại theo kích thước, màu sắc để làm các sản phẩm. Từ những chiếc làn đi chợ đơn giản, các thành viên trong tổ đã tìm tòi và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm như giỏ đựng đồ, sọt rác, lồng gà… với giá dao động từ 80.000 – 200.000 đồng/sản phẩm.
Để lan tỏa lối sống xanh bảo vệ môi trường, chị H’Âu và các chị em trong tổ còn quay những video hướng dẫn cách tái chế rác thải, mà đặc biệt là rác thải khó phân hủy và túi ni lông để mọi người đều có thể tận dụng làm nên những món đồ xinh xắn.
Vừa qua, ý tưởng “Đan lát thủ công tái chế từ dây đai nhựa” của chị H’Âu đã giành giải Nhất tại Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” tỉnh Đắk Lắk năm 2024. “Hiện tại, tổ đan lát có 8 thành viên đều là người dân tộc thiểu số nên còn hạn chế về tiếp cận công nghệ thông tin, giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng. Chính vì vậy, tôi mong muốn có thêm sự hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương”, chị H’Âu trăn trở.
Anh Phương
Ý kiến bạn đọc