Chiến tranh và bóng hình Mẹ
Một ngày cách nay hơn 30 năm, giữa bời bời gió Lào, nắng như rang cát, tôi về miền quê Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) tìm gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trần Thị Mít ở xã Hải Phú.
Chiến tranh đã lùi xa gần 20 năm nhưng Mẹ Trần Thị Mít vẫn ở trong ngôi nhà trống tuềnh toàng. Những năm tháng đó đất nước dù đã bước qua giai đoạn kinh tế khó khăn nhất song vẫn còn đó hàng núi công việc phải làm. Chuyện đền ơn đáp nghĩa là đạo lý, lẽ sống của người Việt Nam nhưng không phải ngày một ngày hai là xong.
Bên chiếc bàn tre, Mẹ Trần Thị Mít với gương mặt in hằn vết dấu tháng năm chiến tranh. Mắt Mẹ nhìn ra rặng dương liễu phía xa, nơi phía chân trời có những đám mây màu cánh vạc lặng lẽ. Tôi không biết vào giây lát đó Mẹ nghĩ gì.
Có lẽ, Mẹ đang nghĩ những đám mây kia là linh hồn của những đứa con đang trở về. Lý lịch đời Mẹ là những con số, ít ỏi nhưng chứa đựng trong đó những bi tráng phận người. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ đã lần lượt tiễn chồng, 7 người con, 1 người dâu và 1 cháu nội, tất cả ra đi và mãi mãi không về. Họ nằm lại trên đất Quảng Trị - một địa danh mà khi nhắc đến người ta vẫn hình dung ra tiếng đạn bom một thời loạn lạc.
Bước chân lang thang của đời viết lách cũng đưa tôi đến với Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ quê ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Điện Bàn thì ai cũng biết, cũng nhớ là địa phương có nhiều liệt sĩ, nhiều Mẹ VNAH nhất nước, thống kê chưa đầy đủ có gần 19 vạn liệt sĩ, hơn 3.000 Mẹ VNAH và khoảng 8.000 thương bệnh binh.
Tôi còn nhớ hình ảnh Mẹ Thứ ngồi bất động, lặng lẽ như chiếc bóng bên mâm cơm ngày giỗ. Là ngày giỗ chung, mẹ ngồi trước mâm cơm mà trên đó bày biện đúng 9 chiếc chén, 9 đôi đũa. Giây phút ấy, tôi nghĩ trong lòng mẹ chắc đang hiện ra bóng dáng từng đứa con rứt ruột, chào từ biệt mẹ, cầm súng ra đi.
Để rồi không ai trở về. Ngày đất nước thống nhất cũng là ngày Mẹ Thứ biết mình mãi mãi ôm niềm cô đơn và thương nhớ khôn nguôi. Một vị lãnh đạo huyện nói với tôi: Nếu tính đầy đủ gia đình Mẹ Thứ có đến 12 liệt sĩ. Ngoài 9 liệt sĩ là con của Mẹ thì con gái đầu của Mẹ Thứ tên Lê Thị Trị cũng là Mẹ VNAH khi có chồng và 2 con là liệt sĩ. Như vậy, nếu tính thêm rể và cháu ngoại, gia đình Mẹ Thứ có tất cả 12 liệt sĩ. Vậy đó, nếu có cách nào để gọi tên tận cùng nỗi đau thì chắc hẳn cách gọi đó phải dành cho gia đình Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ!
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Tôi vẫn còn nhớ phim tài liệu “Trang đời huyền thoại” do Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Hùng làm đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Trí Trung quay phim, bấy giờ cả hai anh đang công tác ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Đà Nẵng. Phim dựng nên chân dung Mẹ Nguyễn Thị Thứ, người phụ nữ bình dị như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Chỉ khác hơn và vượt trên tất cả là sự hy sinh vô bờ bến, sự chịu đựng phi thường và cả nỗi đau bỏng rát mà Mẹ Thứ phải chịu đựng suốt cuộc chiến tranh dằng dặc. Tại một hội thảo phim tài liệu ở Malaysia, khi trình chiếu phim “Trang đời huyền thoại”, bạn bè các nước đều xúc động. Nhiều người bảo, nhờ những thước phim này mà họ hiểu hơn về chiến tranh Việt Nam, hiểu hơn về tính cách, ý chí của phụ nữ Việt Nam.
Năm 1994, tôi về các xã Điện Nam, Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) gặp các nhân chứng còn sống của “Bảy dũng sĩ Điện Ngọc” nổi tiếng, từng được đưa vào sách giáo khoa. Năm đó tôi gặp và phỏng vấn Mẹ VNAH Đặng Thị Khi. Đi cùng tôi là anh Nguyễn Miên quay phim. Thời đó quay phim bằng băng VHS, dựng phim hầu như chưa có kỹ xảo. Phim dựng xong rồi mà tôi vẫn còn chưa ưng ý với cảnh kết phim. Tôi bàn với anh Nguyễn Miên quay trở lại, đưa Mẹ Khi ra cồn cát trắng với rặng dương liễu xanh ven biển. Mẹ đứng đó, giữa khuôn hình với mái tóc trắng bạc theo mây trời. Với khuôn hình này, tôi nhờ kỹ thuật viên dựng phim chồng mờ sang tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê ở TP. Đà Nẵng (Tượng đài cũng rất nổi tiếng của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng). Chỉ vài giây thôi nhưng đó là hình ảnh tạo cảm xúc, được lãnh đạo cơ quan, các đồng nghiệp khen ngợi.
Nếu có thể bắt thời gian quay trở lại, có lẽ tôi vẫn khắc khoải với những khuôn hình đã kể. Và, thời gian có thể đảo chiều thì tôi tin các Mẹ VNAH vẫn vẹn nguyên một tấc lòng, một ý chí. Chiến tranh cũng vậy, dù kết thúc gần nửa thế kỷ, trên đất nước gian lao này thì ký ức về chiến tranh vẫn còn ghi dấu trên từng trang sách, trên mỗi tấc đất. Rồi tôi vẫn tin, chiến tranh nếu hiện về trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, thì vẫn thấp thoáng gương mặt Người Mẹ Việt Nam. Như một tượng đài, vĩnh hằng trong vô tận.
Triều Nguyễn
Ý kiến bạn đọc