Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến tích cực trong công tác dân số ở vùng sâu Krông Nô

08:25, 19/07/2024

Xã vùng sâu Krông Nô (huyện Lắk) hiện có khoảng 9.600 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 81% dân số (với 13 dân tộc ở 15 buôn).

Những năm gần đây, công tác dân số ở xã Krông Nô chuyển biến tích cực, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống từng bước được đẩy lùi, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm xuống đáng kể.

Theo thống kê năm 2023, tỷ suất sinh thô trên địa bàn xã Krông Nô giảm còn 14,31%o (thấp hơn 1,79%o so với mặt bằng chung của huyện Lắk); tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai tăng từ 70,5% (năm 2021) lên 78,5% (năm 2023); tỷ lệ sàng lọc trước sinh 86% (tăng 46% so với năm 2021), sàng lọc sơ sinh 48% (tăng 22,37% so với năm 2021). 

Mô hình “Mỗi cặp vợ chồng dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt” được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Điển hình như gia đình anh Y Nitơr Preh và chị H’Miên Rơ Ong, sau khi sinh hai người con (đứa con đầu 4 tuổi, đứa con út 1 tuổi) đã thống nhất lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp để thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Nhờ sinh ít con và khoảng cách sinh hợp lý nên chị H’Miên có đủ thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc con chu đáo, kinh tế gia đình ngày càng tốt lên.

Gia đình anh Y Nitơr Preh và chị H’Miên Rơ Ong thực hiện tốt chính sách dân số.

Anh Y Nitơr Preh chia sẻ: “Trước đây, người dân trong buôn nghèo một phần cũng vì sinh đông con, trẻ em không được đi học đến nơi, đến chốn. Bởi vậy, vợ chồng tôi quyết tâm kế hoạch để có điều kiện chăm sóc con và phát triển kinh tế gia đình”. Hay như chị H’Bân Nông, trong quá trình mang thai và sinh con, chị đã thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh để biết được tình trạng sức khỏe thai nhi và giai đoạn sơ sinh. Hiện nay, con của chị phát triển khỏe mạnh bình thường, đó là niềm hạnh phúc nhất đối với vợ chồng chị.   

Để có được những kết quả trên ở một xã đặc biệt khó khăn như Krông Nô là một quá trình lâu dài và liên tục với sự quyết tâm cao độ, cũng như sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, của các hội, đoàn thể trên địa bàn xã trong việc tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, các chủ trương, chính sách về công tác dân số, đặc biệt là việc thực hiện Nghị định số 39/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số (giai đoạn 2018 - 2023, toàn xã đã có 25 trường hợp được hưởng chính sách theo Nghị định số 39/2015, với số tiền 50 triệu đồng).

Cán bộ dân số xã Krông Nô tư vấn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân.

Hằng năm, các hoạt động truyền thông về dân số được xã Krông Nô triển khai đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức: thực hiện góc truyền thông và cung cấp dịch vụ tại trạm y tế, trường học; tuyên truyền qua loa truyền thanh, cổ động trực quan bằng băng rôn; họp nhóm, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên mạng xã hội Zalo, Facebook… Trạm Y tế xã chủ động cung cấp kịp thời phương tiện tránh thai, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, nâng cao chất lượng dân số…

Đặc biệt, cán bộ dân số cùng 15 cộng tác viên dân số của 15 buôn thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ” để nắm bắt tình hình, cập nhật biến động dân cư và tư vấn, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong sinh đẻ, cưới hỏi, tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe người cao tuổi, tư vấn về lợi ích của khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh…

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác dân số ở xã vẫn còn một số hạn chế như: vẫn còn tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, sinh con thứ ba trở lên; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng còn cao… Bà H’Doeng Pang Ting, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Nô cho biết: “Chúng tôi quán triệt đến Trạm Y tế xã cùng các đoàn thể, ban tự quản buôn phải thường xuyên đổi mới các hình thức, nội dung truyền thông về dân số; tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế huyện để triển khai hiệu quả các chương trình dân số trong vùng dân tộc thiểu số, duy trì truyền thông vận động “Dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt”, từng bước chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển để nâng cao chất lượng dân số”.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.