Multimedia Đọc Báo in

Côn Đảo ngút trời linh khí

09:13, 29/07/2024

Trên đường từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm Côn Đảo, người lái xe taxi đã tự nguyện làm một hướng dẫn viên cho chúng tôi: “Trong khoảng thời gian từ 1861 - 1975, đã có 53 đời chúa đảo. Đảo có diện tích 76 km2, bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ và hiện có hơn 10.000 dân. Đời sống trên đảo yên lành, người dân chủ yếu sống bằng nghề dịch vụ du lịch, đánh bắt hải sản và sản xuất nông nghiệp”.

Giọng anh chùng xuống: “Số liệt sĩ nằm lại Côn Đảo còn đông gấp nhiều lần dân số hiện có ở huyện đảo đó các anh!”.

Ở Côn Đảo, dù thả hồn ngắm núi mờ mây hay thong dong trước biển, dù bước đi trong tiếng sóng du dương hay rát mặt trước gió mưa tầm tã thì trong tâm hồn tôi đều bảng lảng tiếng vọng đau thương từ hơn thế kỷ trước. Đó là những dư âm của lịch sử, của một thời tranh đấu. Dạo gót trên những lối đảo, tôi luôn thả những bước chân nhẹ nhàng, sợ làm động đến hương linh của các bậc tiền nhân mà thịt xương của họ đã hòa trong đất đai nơi này. Côn Đảo ngút trời linh khí. Người đàn ông phục vụ quán ăn khuya cung kính rót ly rượu đầu tiên xuống đất khi chúng tôi mời anh. “Kính dâng hương hồn các bác, các anh, chị trước!”, anh nói. Hành động ấy làm chúng tôi cay mắt…

Viếng Nghĩa trang Hàng Dương, đêm về khuya, không gian của nghĩa trang thêm sắc màu u tịch. Những cây bàng cổ thụ tán lá sũng nước, những hàng dương xanh rễ cắm sâu vào đất tỏa lên một thứ ánh sáng hư huyền. Những bóng cây che chở mộ phần và ru hồn liệt sĩ trong giấc ngủ vĩnh hằng. Tôi như nghe trong vi vu tiếng gió có bầu khí thiêng hòa trong sương khói nơi này.

Với khuôn viên rộng gần 20 ha, Nghĩa trang Hàng Dương được chia thành 5 khu mộ liệt sĩ với 1.921 ngôi mộ; trong đó có 713 ngôi mộ có tên và 1.208 mộ chưa tìm được danh tính; trên bia mộ những người tù vô danh chỉ duy nhất gắn một ngôi sao đỏ. So với tổng số 20 nghìn người đã mãi mãi ngã xuống mảnh đất Côn Đảo suốt trong 114 năm nơi này là “địa ngục trần gian” thì số mộ phần được quy tập về nghĩa trang chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Khu đập đá - nơi chí sĩ Phan Châu Trinh viết bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”.

Như một thói quen khi viếng các nghĩa trang, tôi thường đọc tên, tuổi và quê hương của từng liệt sĩ trên những bảng mộ chí. Đọc, cảm và liên tưởng đến những cuộc đấu tranh kiên cường và sự hy sinh cao đẹp của các bác, các cô, các anh, các chị khi tuổi đời của họ hãy còn quá trẻ. Cuộc đời của nhiều người trong họ đã mãi mãi dừng lại ở lứa thanh xuân. Họ là những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam. Nếu không ngã xuống vì lý tưởng trong những ngày tranh đấu thì những người con can trường ấy sẽ trở thành những tinh hoa, những nhân tài của đất nước thời kiến thiết hòa bình. Nghĩ đến những điều đó, trong tâm hồn tôi vừa xen lẫn niềm cảm phục, lòng biết ơn vô bờ mà cũng không giấu nổi cảm giác xót xa…

                                           * * *

Tấm bia tưởng niệm tại Di tích lịch sử Cuộc võ trang vượt ngục của 198 tù lao động khổ sai khắc ghi: “Nơi đây ghi dấu cuộc võ trang vượt ngục ngày 12/12/1952 của 198 người tù lao động khổ sai làm đường đi Bến Đầm. Lực lượng này đã hoàn toàn làm chủ tình thế nhưng vì thời tiết không thuận lợi, cuộc vượt biển không thành, 117 người bị địch bắt lại, 81 người hy sinh trên biển”.

Thắp nén nhang và đọc những dòng bia, tôi bất chợt nhớ tới tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán. Sau Hiệp định Gienève 1954, Phùng Quán có mặt trong cuộc trao đổi tù binh ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), gặp gỡ những người tù cách mạng trở về từ Côn Đảo. Câu chuyện của các tù nhân chính trị về những người con bất khuất và ý chí quật cường với hai lần vượt ngục không thành là nguồn cảm hứng để nhà văn viết nên bản anh hùng ca.

“Vượt Côn Đảo” tái hiện sinh động cuộc sống tù nhân tuy bị đọa đày dã man dưới ách cai trị của thực dân Pháp nhưng luôn khát khao vượt ngục về với cuộc sống tự do. Họ vượt ngục để tiếp tục chiến đấu. Tất cả những người vượt ngục đều nghĩ rằng trong quá trình tiếp tục hoạt động có thể bị hy sinh, có thể bị địch bắt trở lại ngục tù Côn Đảo…

Di tích Hầm phân bò - nơi kẻ thù tra tấn đày đọa tù nhân.

Tư liệu tại Bảo tàng Côn Đảo còn lưu: Theo báo cáo của Thanh tra thuộc địa, từ năm 1930 - 1935 có 3.664 lượt tù Côn Đảo vượt ngục. Hơn 3.000 người bị bắt lại và chịu hình phạt khắc nghiệt nhất, 444 người thoát ra biển song nhiều người đã chết chìm xuống đáy đại dương. Nhiều cảnh thương tâm đã xảy ra trên biển nhưng gian khổ, chết chóc và sự tra tấn trừng phạt dã man của bọn cai ngục khi bị bắt trở lại vẫn không ngăn nổi ý chí tự do của người tù. Các cựu tù nhân nói rằng, nhà tù Côn Đảo đã là hình phạt tận cùng rồi, chẳng có gì đáng sợ hơn nữa.

Chính vì vậy, Chi bộ Đảng trong nhà tù lập Quỹ giải phóng quyên góp tiền ủng hộ các cuộc vượt ngục và lựa chọn những người có năng lực lãnh đạo đưa về tăng cường cán bộ cho Đảng. Năm 1932, các đồng chí Nguyễn Hới, Tống Phúc Chiếu... được chỉ định vượt ngục. Thuyền bí mật đóng trên một sườn núi phía Lò Vôi. Đồng chí Nguyễn Hới trốn lên núi, phát cây mở đường để khiêng thuyền xuống. Thuyền hạ ở mũi Tàu Bể, vừa ra khơi hơn trăm thước thì bị sóng lớn đánh chìm. Nguyễn Hớn đuối sức, bị sóng cuốn đi. Không nản chí, từ tháng 4/1934 - 4/1935, chi bộ tổ chức được hai chuyến vượt đảo thành công, cập vào Bến Tre và vùng biển Tây Nam Bộ…

Tội ác tày trời của kẻ thù suốt 114 năm ở nơi chốn đảo nhỏ giữa trùng khơi này đã được khắc sâu, đã được ghi nhớ trong trang sử đấu tranh vì đại nghĩa Tổ quốc. Với truyền thống vuông tròn đạo lý, người Việt chúng ta không nuôi lòng hận thù, nhưng thật khó quên những món nợ quá khứ mà ông cha đã phải oằn mình gánh chịu! Côn Đảo chỉ là một quần đảo nhỏ mà sao lịch sử đã lê bước chân qua nơi này một cách chậm chạp và nặng nề đến thế.

Chia tay Côn Đảo. Chia tay những trận gió, cơn mưa trong những ngày được sống trong một thế giới khác. Một không gian của ba chiều cảm xúc: quá khứ, hiện tại, tương lai. Riêng chiều quá khứ là thẳm sâu những ký ức miên man về đau thương và bất khuất, về số phận và sự can trường của những chứng nhân lịch sử mà đất nước này luôn ghi nhớ về họ bằng lòng biết ơn…

Uông Thái Biểu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.