Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc từ những điều bình dị

09:19, 07/07/2024

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, để gìn giữ hạnh phúc, mỗi thành viên trong gia đình cần luôn trân trọng gìn giữ, chia sẻ yêu thương và cùng nhau xây đắp tổ ấm trở thành “pháo đài” vững chắc trước những sóng gió cuộc sống.

Gia đình anh Trần Văn Kiên và chị Hòa Thị Hằng (thôn Quỳnh Ngọc 1, xã Ea Na, huyện Krông Ana) được bà con hàng xóm khen ngợi bởi anh chị không chỉ chăm lo xây dựng và gìn giữ hạnh phúc ấm êm trong gia đình mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương.

Bản thân là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Na, chị Hằng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị xây dựng chương trình hoạt động của hội sát thực, phù hợp với tình hình thực tế tại các chi hội thôn, buôn và thường xuyên tham dự sinh hoạt cùng các chi hội, hướng dẫn các chi hội tổ chức sinh hoạt theo định kỳ. Đồng thời, dành thời gian gặp gỡ chị em trong khu dân cư, trò chuyện về những vấn đề gần gũi với đời sống hằng ngày, như vai trò của phụ nữ trong gìn giữ mái ấm gia đình, phẩm chất của người phụ nữ truyền thống và hiện đại, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; sẵn sàng tham gia giúp đỡ, hỗ trợ các hộ cùng khu dân cư có kinh tế khó khăn vươn lên, ổn định cuộc sống.

Gia đình chị Hòa Thị Hằng quây quần trò truyện sau những giờ làm việc, học hành.

Công việc bận rộn, thường xuyên vắng nhà nhưng không vì thế mà chị lơ là trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ trong gia đình. Gia đình anh chị hiện có ba thế hệ với 6 thành viên cùng sinh sống trong tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.

Theo chị Hằng thì nhiều thế hệ cùng chung sống cũng là sự kết hợp giữa những giá trị hiện đại và giá trị truyền thống, giúp mỗi thành viên luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân, làm nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc.

“Hạnh phúc gia đình không tự nhiên mà có, mà phải xây dựng, giữ gìn từ lòng yêu thương, trách nhiệm chung tay chăm lo của mỗi thành viên. Công việc khá bận rộn nhưng tôi vẫn dành thời gian tâm sự, trò chuyện với mỗi thành viên trong gia đình, tranh thủ những ngày nghỉ để tổ chức những bữa tiệc sum họp, ngày lễ cả gia đình tổ chức đi chơi, đi du lịch để gắn kết tình cảm”, chị Hằng tâm sự.

 

Để gìn giữ hạnh phúc, mỗi thành viên trong gia đình cần luôn trân trọng gìn giữ, chia sẻ yêu thương và cùng nhau xây đắp tổ ấm trở thành “pháo đài” vững chắc trước những sóng gió cuộc sống.

Để chị Hằng yên tâm tham gia các hoạt động xã hội, không chỉ chồng mà cả bố mẹ chồng và các con của chị đều là hậu phương vững chắc.

Ông Trần Văn Khải, bố chồng chị Hằng chia sẻ: “Vợ chồng tôi hiện vẫn còn sức khỏe nên vẫn có thể đỡ đần các cháu trong công việc nương rẫy, chăn nuôi. Là người từng tham gia công tác tại xã, thôn, tôi hiểu được tính chất công việc của cháu. Vì thế, cả gia đình luôn bảo nhau cùng cố gắng, hỗ trợ hết sức để Hằng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cộng đồng. Noi gương mẹ, hai cháu nhỏ đi học cũng rất tích cực tham gia các phong trào của trường lớp và đều chăm ngoan, học giỏi, biết vâng lời ông bà cha mẹ, biết quan tâm giúp đỡ bạn bè, chia sẻ việc nhà”.

Tương tự, nhiều năm nay gia đình chị Lò Thị Bương (thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana) luôn được thôn, xã đánh giá, công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu.

Chị Bương là người dân tộc Thái, chồng chị người dân tộc Kinh, tuy có những nét khác biệt về phong tục tập quán nhưng vợ chồng chị luôn tìm được tiếng nói chung trong việc chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ở đó có tình yêu thương và trách nhiệm song hành, nên dù bận công việc bên ngoài đến đâu, mọi thành viên trong gia đình vẫn luôn dành thời gian cùng quây quần bên nhau.

Đó là dịp để mọi người cùng chia sẻ với nhau các vấn đề còn khúc mắc. Ông bà - bố mẹ trao đổi với nhau về công việc, cuộc sống; con cái trao đổi về trường lớp, bạn bè hay suy nghĩ về thế giới bên ngoài...

Vợ chồng chị Lò Thị Bương chăm lo phát triển kinh tế để có cuộc sống ổn định.

Gần 20 năm bên nhau, trong cuộc sống cũng có lúc khúc mắc nhưng theo chị Bương, những lúc như vậy cần biết cách cùng ngồi lại để lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau tìm hướng giải quyết. Tất nhiên là cả hai đều “nói không” với bạo lực gia đình, cư xử với cha mẹ và những người xung quanh hòa nhã, đúng mực để làm gương cho con. Nhờ đó, hai con của anh chị đều chăm ngoan và nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, khá.

“Trong cuộc sống gia đình có nhiều tình huống xảy ra nhưng vợ chồng tôi chọn cách nhường nhịn, chia sẻ, tôn trọng nhau. Để "giữ lửa" gia đình, bất cứ việc gì vợ chồng tôi đều hỏi ý kiến nhau, cả hai cùng bàn bạc rồi mới đưa ra quyết định. Sau mỗi ngày làm việc, chúng tôi luôn dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, hâm nóng tình cảm, cùng nhau chăm sóc, giáo dục các con", chị Bương bộc bạch.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.