Multimedia Đọc Báo in

Hậu phương vững chắc của người anh hùng

13:49, 29/07/2024

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Đức Chuyển và vợ - bà Nguyễn Thị Kim Anh đã gắn bó gần nửa thế kỷ. Bà Kim Anh luôn là hậu phương vững chắc và điểm tựa tinh thần giúp ông Chuyển yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người quân nhân cách mạng.

Ông Nguyễn Đức Chuyển quê ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Thời niên thiếu, ông theo học thầy giáo Nguyễn Mai ở cùng làng, một cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Những lần đến thăm, thi thoảng ông lại gặp và có thiện cảm với cô con gái đầu của thầy, ít hơn mình 4 tuổi, nhỏ nhắn, xinh xắn, nói năng chào hỏi lễ phép.

Năm 1965, mới 15 tuổi, ông Chuyển xung phong nhập ngũ. Lập nhiều chiến công xuất sắc, ông được kết nạp Đảng khi mới bước sang tuổi 18 và được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng khi mới tròn 20 tuổi; 8 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt ngụy, được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ. Năm 1974, sau 3 năm được tổ chức bố trí ra miền Bắc học tập, ông về căn cứ địa cách mạng của Cơ quan Khu ủy Khu V đóng tại Nước Oa (xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) chuẩn bị nhận công tác. Một buổi chiều ông đến thăm Bệnh viện Khu ủy ở cách đó không xa thì được giới thiệu về một cô gái làm ở xưởng Dược (Ban Dân y Khu 5) đang điều trị sốt rét ở đây, cùng quê Đức Phong, tuổi vừa đôi chín, rất ưa nhìn. Song, hai người chưa có duyên gặp mặt.

Vợ chồng Anh hùng Nguyễn Đức Chuyển xem lại những kỷ vật. 

Sau ngày thống nhất đất nước, chàng sĩ quan trẻ mang quân hàm Thượng úy Nguyễn Đức Chuyển công tác tại Phòng Quân báo Quân khu 5 đóng quân tại TP. Đà Nẵng. Lân la dò hỏi, biết cô gái gặp hụt năm nào giờ đang làm việc ở Công ty Dược phẩm Trung ương 3, chung thành phố với mình, ông tức tốc đạp xe đến, quyết gặp cho bằng được. Hóa ra chẳng phải ai xa lạ, chính là con gái thầy giáo Nguyễn Mai đã quen biết nhau ngày trước. Sau một trận càn năm 1970, thầy bị kẻ thù giết hại, bêu đầu ở trung tâm quận lỵ Mộ Đức… Những câu chuyện về tình quê hương sâu nặng khiến hai người càng lúc càng ý hợp tâm đầu. Đến tháng Chạp năm 1975, một đám cưới nhà binh giản dị và vui tươi được tổ chức. Cô dâu bẽn lẽn nép vào vai chú rể khi nghe lời chúc: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”.

Tháng 2/1978 cậu con trai đầu lòng Nguyễn Đức Cường chào đời. Ngày sinh con, chồng bận công tác không về, bà Kim Anh tủi thân nghĩ thầm, chắc mình chỉ sinh một đứa. Nào ngờ, khi con sắp biết bò thì ông Chuyển về nhà cùng một vết thương trên đầu. Hỏi ra mới biết, trong chuyến công tác ở Tây Nguyên, ông đã đụng độ ác liệt với tàn quân Khmer Đỏ tại huyện biên giới Đắk Mil (khi ấy thuộc tỉnh Đắk Lắk). Sau lần ông về thăm nhà và dưỡng thương ấy, bà mang bầu lần hai khi con đầu mới 7 tháng tuổi, đặt tên con thứ là Nguyễn Đức Min - ghi nhớ trận đánh đã làm ông bị thương.

Chồng bận việc nhà binh cứ đi biền biệt, bà Kim Anh vừa gánh việc cơ quan vừa chăm hai con nhỏ song cánh thư nào cũng bảo chồng rằng mọi việc ở nhà rất tốt, mong anh chân cứng đá mềm, mạnh khỏe, bình an. Ngày 29/1/1996, được  Chủ tịch nước ký quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, ông Chuyển khoe ngay với vợ, bày tỏ niềm xúc động sâu sắc: “Cảm ơn em, cảm ơn hậu phương vững chắc, điểm tựa tinh thần, nguồn động viên to lớn giúp anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Năm 2007, Anh hùng Nguyễn Đức Chuyển nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, Phó Trưởng Phòng Quân báo Quân khu 5. Từ đó đến nay, bà Kim Anh luôn ủng hộ và có lúc đồng hành với chồng trong các hoạt động nghĩa tình: Tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt - Lào, Ban liên lạc quân tình nguyện Việt Nam thành phố Đà Nẵng; vượt suối sâu, đèo cao, rừng rậm hiểm trở ở nước bạn Lào để tìm kiếm và cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam về nước... Bà bảo: “Chúng tôi luôn giáo dục con cháu thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn, tự hào và sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước”.

Đỗ Thị Ngọc Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.