Multimedia Đọc Báo in

Người anh hùng trên đỉnh Pha Lang Sung

13:40, 27/11/2012

Cứ đến ngày 12-9 âm lịch hằng năm, tại căn nhà số 1 đường Hoàng Văn Thụ (TP. Buôn Ma Thuột), những đồng đội của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Hoàng lại đến thắp hương nhân ngày giỗ của người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 733, Sư đoàn 315, Quân khu 5 hy sinh trên đất bạn Campuchia.

Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nguyễn Đức Vinh, hiện ở TP. Hồ Chí Minh nhớ lại: “Kết thúc chiến dịch K1 mùa khô năm 1984 – 1985, đầu xuân chúng tôi lại bước vào trận đánh mới, nhằm đập tan sào huyệt cuối cùng của bè lũ diệt chủng Pôn pốt – Iêng xa ri ở tỉnh Prêt-vi-hia. Chiều hôm đó, tôi triệu tập Nguyễn Đình Hoàng, Đại đội trưởng Đại đội 5; Nguyễn Long Cáng, Đại đội trưởng Đại đội 6 và Nguyễn Ngọc Thu, Đại đội trưởng Đại đội 7 lên nhận nhiệm vụ. Bỗng ầm… ầm… ầm… tằng… tằng… tằng…, tất cả giật thót cả người: “Lộ rồi chăng?”. Thôi chết! Ba đồng chí trinh sát của cấp trên đang bám địch trên đỉnh núi chắc đạp phải mìn rồi! Nguyễn Đình Hoàng xin phép lên kiểm tra tình hình. Anh đu người theo thang dây leo lên vách dựng đứng cheo leo. Trên đỉnh Pha Lang Sung, ba đồng chí trinh sát đang nằm quằn quại, ba đôi chân sơ tướp, máu ra lênh láng. Anh cõng người thứ nhất tụt xuống, chuyển cho đơn vị, lại tiếp tục leo lên cõng người thứ hai. Tôi chưa kịp nói để người khác lên cõng thay thì anh đã lại đu người lên thang dây leo vội lên và cõng người thứ ba xuống, lần này thì chậm hơn. Anh nhích từng bước một… chút một… Chúng tôi lúc ấy như ngừng thở theo dõi, chờ đợi. Khi chiến sĩ thứ ba vừa xuống cũng là lúc Hoàng lịm đi trong vòng tay của đồng đội. Sau chiến công này, Nguyễn Đình Hoàng được cử đi báo công tại Đại hội thi đua quyết thắng của Quân khu 5 năm 1986. Rồi Hoàng được cử đi học. Tốt nghiệp, anh nằng nặc xin quay lại chiến trường. Hoàng đánh địch gan lì có tiếng và rất thông minh, bao giờ cũng làm chủ trận đánh. Tôi nhớ, mỗi lần chuẩn bị triển khai một chiến dịch nào đó, Hoàng luôn gặp tôi xin “xí phần” với câu nói muôn thuở: “Anh để trận đó cho em nhé”. Vậy mà, không bao lâu sau đó, Hoàng đã hy sinh…”. Giọt nước mắt tiếc thương người đồng đội yêu quý lăn dài trên gò má của người thủ trưởng Nguyễn Đức Vinh khi kể lại kỷ niệm thuở sát cánh cùng Nguyễn Đình Hoàng. 

Liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Hoàng. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Hoàng. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 những năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn kể rằng, mỗi khi có đồng đội hy sinh là y như rằng Hoàng già đi mấy tuổi và luôn biến căm thù thành hành động. Có lần trong một trận đánh, đồng chí bắn B40 hy sinh. Đang chỉ huy đại đội, Hoàng lấy ngay khẩu súng B40 này bắn cấp tập vào kẻ thù. Trận đó đơn vị thắng lớn. Nguyễn Đình Hoàng cũng là người sống hết mình vì đồng đội. Anh không giữ gì cho riêng mình. Có lần đơn vị cho anh nghỉ phép 2 tháng vì mấy năm liền Hoàng chưa được nghỉ. Vậy mà anh chỉ về nhà 7 ngày, dành thời gian còn lại thăm nhà đồng đội từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận. Tiền tiết kiệm mấy năm trời, Hoàng tiêu sạch. Có lần anh đến nhà một người bạn đang chiến đấu bên K, em trai bạn ao ước có đôi dép tông Lào (ngày đó quý lắm), thế là anh tặng cho em ấy đôi dép mà anh dự định gửi về cho em trai mình ở Dak Lak.

Anh Nguyễn Đình Hoàng (em), công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Dak Lak soạn trong tủ ra những kỷ vật của người anh trai. Những bức thư viết cho bố mẹ, tập bản báo cáo thành tích khi anh Hoàng còn là chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Dak Lak, Đại đội trưởng Đại đội 5, rồi Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 142, Sư đoàn 315. Quê ở Bình Phú, Tây Sơn, Nghĩa Bình (cũ), theo gia đình lên định cư ở Dak Lak lúc còn nhỏ, từ nhân viên ngành bưu điện tỉnh, năm 1978, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Nguyễn Đình Hoàng đã viết đơn bằng máu lên đường nhập ngũ và sau đó qua chiến trường K. Bức thư anh viết năm 1983 thể hiện những điều thôi thúc anh xông pha vào nơi “hòn tên, mũi đạn”: “Con đang làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang của người thanh niên, thật sự hiểu được những đau khổ, mất mát dưới chế độ diệt chủng mà người dân Campuchia chịu đựng. Bản thân con cũng đau khổ căm hờn chẳng khác gì họ, mà con chưa lần nào tâm sự cho ba má nghe. 3 lần sang đây, đã 2 lần đơn vị con đổ máu. Đồng đội của con đã nằm lại trên đất này. Ba má và anh chị và các em hãy tự hào vì đã có người con, người em trai đi làm người lính tình nguyện…”.

Đại tá Nguyễn Văn Thu, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 572 vẫn nhớ như in ngày Nguyễn Đình Hoàng hy sinh: “Khi Hoàng làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 733 thì tôi làm Phó tiểu đoàn trưởng chính trị. Lúc này, tôi về Strung Treng học nghị quyết, còn Hoàng vừa từ Việt Nam nghỉ phép qua cũng đang ở đây. Khi về lại Krachê, xe Hoàng bị bọn Pôn pốt phục kích. Chúng bắn quả AT trúng vào thùng xăng, nên hầu hết cán bộ, chiến sĩ trên xe hy sinh. Hôm đó là ngày 23-10-1988. Cả Tiểu đoàn đã làm lễ truy điệu anh, biến căm thù thành hành động…”

Anh Nguyễn Đình Hoàng (em) xúc động kể về tình cảm thiêng liêng của đồng đội dành cho anh trai mình: “Sau khi anh tôi hy sinh, gia đình nhận rất nhiều tình cảm của đơn vị anh Hoàng. Năm 1989, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày giỗ anh, có dịp các anh trong Tiểu đoàn lại đến nhà. Gia đình còn khó khăn, đồng đội của anh đã giúp chúng tôi sửa chữa nhà cửa, nuôi nấng cha mẹ già và các em còn nhỏ, tài trợ đi học nghề, xin việc khi ra trường. Gia đình biết ơn vô cùng và có lẽ anh Hoàng dưới  suối vàng cũng yên lòng…”.

Mỗi khi những người lính các Trung đoàn 142 và 733 của Sư đoàn 315 gặp nhau, liệt sĩ Nguyễn Đình Hoàng vẫn là tâm điểm trong các câu chuyện. Họ kể về anh với tất cả sự khâm phục, yêu mến và trong ký ức đồng đội, người anh hùng trên điểm cao Pha Lang Sung vẫn còn sống mãi.

 Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc