Multimedia Đọc Báo in

“Vắc xin số” cho những công dân số

07:39, 31/07/2024

Trong bối cảnh thông tin phát triển ồ ạt, việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ biết sử dụng mạng xã hội một cách thông minh là vấn đề cấp thiết.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Những năm gần đây, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được xây dựng, bổ sung quy định trong nhiều văn bản, luật pháp, chính sách.

Luật Trẻ em có quy định cụ thể về trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Giáo viên Trường THCS Trần Đại Nghĩa (thị xã Buôn Hồ) hướng dẫn học sinh trong giờ Tin học.

UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND, ngày 16/8/2022 về việc triển khai thực hiện chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn tỉnh.

Chương trình hướng đến mục tiêu 100% các trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, những kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh; hỗ trợ pháp lý cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng...

 

“Muốn an toàn trên Internet, phải có "vắc xin số" - chính là kỹ năng số, năng lực tự bảo vệ. Không phải chỉ trẻ em mà người lớn cũng cần kỹ năng số để biết chọn lọc thông tin cần thiết" - ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH).

Tuy nhiên, thực tế việc tổ chức thực hiện chương trình còn những bất cập. Các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta vẫn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, ngành trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại... trên môi trường mạng cũng chưa cụ thể, rõ ràng.

“Rào chắn” từ gia đình

Bảo vệ trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm không của riêng ai. Trong đó, gia đình, mà cụ thể là các bậc phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng.

Mỗi gia đình, bậc cha mẹ cần trang bị kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em, giúp trẻ em biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.

Việc tạo cho trẻ em thói quen, kỹ năng sử dụng mạng an toàn có thể giúp các em biết sử dụng lợi thế, kho tài nguyên vô tận trên mạng, nhưng cũng biết cách phòng tránh những rủi ro, nguy hại rình rập.

Để trẻ em sử dụng môi trường mạng lành mạnh cần sự đồng hành của mỗi bậc phụ huynh.

Chị N.T.P. (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, gia đình chị có hai đứa con đang học THCS. Vì để các con có điều kiện học tập nên chị đã trang bị máy tính bảng và điện thoại giúp con có thể tìm hiểu thông tin trên mạng phục vụ cho việc học cũng như tiện cho việc liên lạc đưa đón con đi học.

Tuy nhiên, một lần tình cờ xem điện thoại của con, thấy con và một số bạn trong lớp (lớp 6) lập nhóm Zalo riêng nhưng không phải để trao đổi việc học mà để nói bậy, chửi tục và gửi cả những hình ảnh nhạy cảm trong nhóm, chị đã khéo léo thông tin đến nhóm phụ huynh của lớp và cô giáo chủ nhiệm để kịp thời xử lý, giải thích và định hướng việc sử dụng MXH cho các em. Sau lần đó, chị P. đã quản lý chặt việc sử dụng điện thoại của con trai mình.

Một vấn đề nữa là không ít phụ huynh vô tư chia sẻ hình ảnh, thông tin con học trường nào, đang tham gia hoạt động gì để đăng tải lên mạng xã hội (MXH) đã tạo điều kiện cho kẻ xấu đánh cắp thông tin, hình ảnh của trẻ để lừa đảo, tống tiền. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ lại lo sợ MXH ảnh hưởng xấu đến con em nên đã cấm đoán, điều này càng làm trẻ phản kháng, chống đối dẫn đến việc lén lút xem.

Do đó, bên cạnh việc giáo dục của nhà trường, mỗi bậc cha mẹ cần có kiến thức, kỹ năng giúp con có cách sử dụng MXH an toàn, hiệu quả. Phụ huynh cũng cần phải chủ động tìm hiểu nâng cao nhận thức, kiến thức, cách thức để bảo vệ con em mình tốt hơn trên môi trường Internet; dạy cho trẻ kỹ năng sử dụng mạng an toàn, cách xử lý các tình huống gặp phải và phòng tránh như thế nào.

Tam Giang


Ý kiến bạn đọc