“Cú hích” từ đào tạo nghề lao động nông thôn
Không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống, các lớp đào tạo nghề cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Năng còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương…
Năm 2016, chị Vi Thị Vân, dân tộc Nùng An (ở thôn Tam Bình, xã Cư Klông) mở một tiệm may nhỏ ở trung tâm xã. Thời gian đầu, chị nhận sửa và may một số quần áo đơn giản. Năm 2020, chị Vân tham gia lớp kỹ thuật may do Hội LHPN xã Cư Klông phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện tổ chức. Chị Vân cho biết: “Sau khi học, tôi biết thêm nhiều kỹ thuật may và thiết kế. Đến nay, tôi có thể may các bộ vest, áo dài, áo học sinh…, từ đó tăng thêm thu nhập cho gia đình từ 150 - 200 nghìn đồng/ngày”.
Anh Triệu Việt Tuế (bên phải) ở thôn Tam Hiệp, xã Ea Tam (huyện Krông Năng) trao đổi về kinh nghiệm trồng sầu riêng. |
Chị Hồ Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Klông cho biết, trong hai năm 2020 và 2022, trên địa bàn xã tổ chức được 4 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như: may công nghiệp, kỹ thuật trồng tiêu, cà phê… cho gần 150 học viên. Nhờ có tay nghề, nhiều học viên sau khi học may đã đi làm việc tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…
Năm 2018, anh Triệu Việt Tuế (dân tộc Tày, ở thôn Tam Hiệp, xã Ea Tam) quyết định chuyển đổi 2 ha cà phê già cỗi sang trồng sầu riêng. Thời gian đầu, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Năm 2020, anh Tuế tham gia lớp học kỹ thuật trồng sầu riêng do UBND xã phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức. Nhờ tham gia lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng giúp anh có kiến thức cơ bản về đặc tính cây sầu riêng. Mùa vụ năm ngoái anh thu được 12 tấn quả, năm nay dự kiến sẽ được hơn 20 tấn.
Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm xã tổ chức 2 lớp dạy nghề (khoảng 35 - 40 học viên/lớp) cho lao động nông thôn. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, xã tổ chức 3 lớp dạy nghề may công nghiệp; sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy; kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng… Nhiều hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sau khi học, áp dụng vào sản xuất đã phát triển kinh tế hộ gia đình lên mức khá giả.
Nghề may đã mang lại thu nhập ổn định cho chị Vi Thị Vân ở thôn Tam Bình, xã Cư Klông (huyện Krông Năng). |
Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Năng đã mở 14 lớp dạy nghề ở các địa phương cho gần 500 học viên. 100% học viên sau khi học đều có việc làm, hoặc tự tạo việc làm, tăng thêm thu nhập.
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, huyện Krông Năng đã đẩy mạnh kết nối, giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sau đào tạo. Ông Đỗ Quang Giang, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Krông Năng thông tin, từ năm 2019 đến nay, Ngày hội việc làm huyện Krông Năng đã trở thành một hoạt động thường niên, được tổ chức định kỳ vào dịp tháng 3, tháng 4 hằng năm, thu hút đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tuyển dụng lao động. Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên thông báo các chương trình tuyển dụng đến các xã, thị trấn ở những phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, chuyên đề… qua đó, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.
Năm 2023, huyện Krông Năng có 2.154 lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm, trong đó đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 171 người. Tại ngày hội việc làm năm 2024 vừa qua, 350 người được tư vấn trực tiếp việc làm, 66 người được xuất cảnh theo diện xuất khẩu lao động… |
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc