Multimedia Đọc Báo in

Hiểu đúng về lễ Vu Lan…

07:31, 18/08/2024

Trong quan niệm dân gian và theo Phật giáo, rằm tháng Bảy âm lịch được gọi là lễ Vu Lan, dịp thể hiện lòng hiếu kính cha mẹ cũng như cầu xá tội lỗi cho các vong nhân tội đồ nơi âm giới. Tại sao lại có tục lễ này?

Các từ điển chữ Hán và tiếng Việt đều không có giảng nghĩa từ Vu Lan, chỉ có từ điển Phật học là đề cập. Như vậy, khái niệm lễ Vu Lan, tục cúng rằm tháng Bảy của dân gian Việt Nam là liên quan, xuất phát từ quan niệm Phật giáo, trực tiếp ảnh hưởng từ sự tích Phật giáo lưu truyền từ Trung Quốc sang.

Tích Phật giáo kể rằng, đệ tử Phật Thích Ca là Mục Kiền Liên thấy mẹ của mình bị đọa vào chốn ngạ quỷ, do những tội lỗi báng bổ tôn giáo nên tìm cách xuống âm ty dâng cơm cho mẹ. Nhưng cơm đến tay mẹ thì biến thành lửa bỏng không thể ăn được. Mục Kiền Liên liền quay về hỏi Phật cách giải cứu. Phật dạy, ngày rằm tháng Bảy là dịp các phương chư Phật tụ hội về, nên có thể dùng trăm món đồ cúng đựng vào chậu, thực hành thí thực cho người tu hành, và tụng kinh cầu xin, thành tâm làm chư Phật đồng cảm mà giúp vong hồn được giải tội. Mục Kiền Liên làm theo và đã cứu được mẹ thoát cảnh ngục hình.

Lễ thắp nến tri ân tại chùa Hoa Lâm (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh do chùa Hoa Lâm cung cấp
Lễ thắp nến tri ân tại chùa Hoa Lâm (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: chùa Hoa Lâm cung cấp.

Từ tích này, Phật giáo đặt ra lễ cúng rằm tháng Bảy âm lịch, gọi là Vu Lan Bồn, với chữ Bồn nghĩa là cái chậu đựng thức ăn, Vu Lan nguyên tiếng Phạn là Ô lam bà nã (ullambana) nghĩa là cứu nạn treo ngược. Tổ chức lễ gọi là Vu Lan Bồn hội, tức pháp hội cứu khổ cho mẹ Mục Kiền Liên thoát cảnh bị treo ngược ở cõi âm ty. Người đời cúng lễ này, là để cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã quá vãng hoặc cha mẹ đã mất. Nếu cha mẹ còn sống, thì hành lễ này cũng cầu phước cho cha mẹ sống bình an, mạnh khỏe.

Đây còn được gọi là Hoan hỷ nhật, Hoan hỷ hội, là ngày lành để chư tỳ kheo được nhận phúc cúng dường, chư Phật chư Thánh hộ niệm cho các vong linh oan khổ. Bởi lẽ nhiều oan hồn không có chỗ siêu thoát, lại bị đọa vào cảnh ngục tù đau thương, nên Phật giáo lấy ngày này nguyện cầu cho ơn phước chúng sinh, giúp các vong hồn được vãng sanh siêu thoát. Dân gian theo tục này mà thành tục cúng giải oan cứu nạn vong hồn, quan niệm ngày rằm tháng Bảy, các vong hồn được may mắn nhận phần cúng dường, hưởng thức ăn thí thực mà giải nạn. Cứ thế dần dà, quan niệm dân gian đánh đồng lễ Vu Lan cùng với phép cúng giải nạn cho các vong hồn, xem rằm tháng Bảy là dịp cúng vong hồn.

Có một quan niệm rất lệch lạc, là nhiều người suy luận việc cúng vong hồn giải oan là cho phép vong hồn quay lại dương gian, vì thế vong hồn có thể làm những việc xằng bậy, quấy phá nhũng nhiễu người đời. Tháng Bảy âm lịch theo đó bị xem là tháng xui xẻo, mọi việc không được tốt lành, làm gì cũng bị vong hồn phá hoại. Điều này là không đúng với chính quan niệm mê tín dân gian và nhất là theo quan niệm Phật giáo. Bởi tháng Bảy phải là tháng tốt lành thì mới tụ hội được nhiều Phật thánh, mới có thể hành lễ Vu Lan cầu phước cho cha mẹ mỗi người. Bởi rằm tháng Bảy là dịp cầu xin giải oan cứu nạn cho các vong hồn, tức dịp tốt để các vong hồn chứng minh hối cải, làm sao lại có thể làm những việc sai trái lầm lẫn nữa? Quan niệm dân gian như thế, là nhìn nhận tháng Bảy âm lịch luôn có điều tốt lành, giúp đỡ các vong hồn được sự phước đức.

Lễ Vu Lan, hay ngày rằm tháng Bảy âm lịch, cần được thấu hiểu là tục lệ xuất phát từ Phật giáo và kết hợp văn hóa dân gian, hoàn toàn hướng về điều tốt lành cầu phước đức, giải cứu các vong hồn khổ nạn, cầu bình an cho cha mẹ thân nhân. Quan niệm đánh đồng tháng Bảy là xúi quẩy, là tháng của vong hồn phá hoại con người là sai lệch, không đúng.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc