Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drắk: Điểm sáng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

09:21, 21/08/2024

Để phát triển bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, BHXH huyện M'Drắk đã triển khai những cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực.

BHXH tự nguyện là chính sách mở ra cơ hội để những đối tượng lao động tự do, người dân ở các khu vực từ thành thị đến nông thôn, miền núi được nhận lương hưu, chế độ tử tuất giúp giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già. Để chính sách lan tỏa sâu rộng và đến được từng hộ gia đình, thời gian qua cán bộ BHXH huyện M'Drắk đã bám sát từng địa bàn, đối tượng để tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và giữ chân người đã tham gia ở lại hệ thống an sinh xã hội.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện M'Drắk Nguyễn Văn Chinh (bên trái) tuyên truyền đến người dân về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cán bộ BHXH huyện và các nhân viên, đại lý thu kiên trì thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng thôn xóm”; đồng thời, phối hợp với nhân viên bưu điện tổ chức các buổi tuyên truyền, đối thoại với người dân theo từng nhóm nhỏ tại thôn, buôn, tổ dân phố; củng cố, phát triển mạng lưới nhân viên thu khắp địa bàn khu dân cư và đến từng hộ gia đình. Nội dung tuyên truyền được phổ biến ngắn gọn, dễ hiểu, từ đối tượng tham gia, mức đóng, phương thức đóng, thủ tục tham gia và mức hỗ trợ đóng của Nhà nước đối với từng đối tượng đến chế độ, quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện…

Chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện đối với người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Giám đốc BHXH huyện M'Drắk nhấn mạnh, không nên "đọc" y nguyên văn bản, mà phải thuyết phục bằng những điều thực tế. Chính vì thế, trước mỗi buổi tuyên truyền, các cán bộ BHXH huyện đã tìm hiểu hoàn cảnh từng người để vận động; đồng thời, đưa ra lời khuyên về mức đóng sao cho phù hợp. Ngoài ra, việc tuyên truyền cũng phải kiên trì, khéo léo giải thích để người dân hiểu chính sách BHXH sẽ là “lưới đỡ” cho họ khi tuổi già, không còn sức lao động. Đến nay, nhiều người dân đã biết và chủ động tham gia BHXH tự nguyện.

Chị Phạm Thị Hậu (45 tuổi, xã Ea Lai) chia sẻ: “Tôi tham gia BHXH tự nguyện đến nay đã được gần 10 năm với mức đóng theo mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Kể từ khi biết đến chính sách này, đồng thời được cán bộ BHXH giải thích những lợi ích thiết thực, tôi đã tham gia ngay. Bây giờ còn trẻ, còn khỏe, còn làm kiếm được tiền thì cứ trích ra một phần để tham gia BHXH tự nguyện, dành khi về già. Thực tế, không ai nói trước được cuộc sống của mình sẽ thay đổi như thế nào, nhưng nghĩ đến sau này già có lương hưu, có thêm đồng ra đồng vào và lỡ có ốm đau, bệnh tật cũng không phải lo lắng phiền đến con cháu thì vẫn yên tâm hơn”.

Chị Phạm Thị Hậu chia sẻ về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ông Trần Văn Bình (58 tuổi, xã Ea H'mlay) trước làm cán bộ xã, đến năm 2023, ông nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi và cũng chưa đủ thời gian đóng (mới được 16 năm 9 tháng) để được nhận lương hưu. Sau khi được cán bộ BHXH huyện tư vấn, ông đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện và đóng với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Ông Bình chia sẻ, sau khi nghỉ việc, ông không có ý định nhận chế độ BHXH một lần mà  tiếp tục đóng để chờ đủ tuổi nhận lương hưu bởi muốn có một “điểm tựa” vững chắc cho những năm tháng tuổi già. Hơn thế, chỉ cần cố gắng tham gia BHXH tự nguyện khoảng 3 năm nữa là có lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí sẽ giúp ông được chăm sóc sức khỏe khi không may phải nằm viện, khám bệnh.

Có thể thấy, so với nhiều địa phương trong tỉnh, M'Drắk là huyện vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thế nhưng việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của địa phương đạt khá cao; đây cũng là điểm sáng của ngành BHXH tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Giám đốc BHXH huyện M'Drắk cho biết: “Phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện là mục tiêu quan trọng hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người. Trong 10 năm đầu (từ năm 2008 - 2018), việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn chậm, chỉ được chưa đến 500 người. Tuy nhiên, đến nay con số này đã tăng lên 1.075 người (đạt 66% chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao trong năm 2024). Có được kết quả này, ngoài công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ ngành BHXH còn có sự vào cuộc của của cấp ủy, chính quyền địa phương; đặc biệt là sự thay đổi nhận thức của người dân”.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc