Multimedia Đọc Báo in

Khi người dân buôn làng làm truyền thông

08:52, 30/08/2024

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ)" của Hội LHPN huyện Lắk đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vấn đề bình đẳng giới, khuôn mẫu giới trong cộng đồng.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Lắk Nguyễn Thị Bích cho biết, địa phương hiện có 39 tổ TTCĐ hoạt động, với 349 thành viên. Mỗi tổ có 8 - 10 thành viên hoạt động tự quản dựa vào cộng đồng, trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch và tình nguyện. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, Hội LHPN huyện đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt theo đặc thù từng địa bàn và phát huy vai trò của hội viên, người dân, cộng đồng trong tổ chức, tham gia các mô hình.

Để các tổ hoạt động có hiệu quả, Hội LHPN huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho tất cả thành viên về một số nội dung như: nhận thức cơ bản về giới – bình đẳng giới; kỹ năng lập kế hoạch truyền thông; viết tin, bài; kỹ năng truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà... Nhờ vậy, hầu hết các tổ hiện nay đang phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình để làm truyền thông có hiệu quả.

Tổ truyền thông cộng đồng buôn Dơng Riêng (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) nghiên cứu tài liệu để phổ biến cho bà con.

Điển hình như tại xã Đắk Liêng, từ tháng 4/2023 có hai tổ TTCĐ đi vào hoạt động, thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân; tìm hiểu những định kiến, khuôn mẫu giới tồn tại trong gia đình; tập tục có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ, trẻ em tại địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Liêng, các tổ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, định kỳ mỗi tháng sẽ thực hiện giao ban và tổ chức hoạt động truyền thông một lần. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các tổ sẽ kịp thời phản ánh với Ban điều hành về những vấn đề phát hiện ở địa bàn và đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp xây dựng kế hoạch tuyên truyền.

Nhờ xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu sát mà Tổ TTCĐ buôn Yang Lah 2 (xã Đắk Liêng) đã làm tốt vai trò thay đổi nhận thức cho bà con. Chị H Phữn Je, Tổ phó Tổ TTCĐ buôn Yang Lah 2 cho hay, để người dân hiểu rõ về Luật Bình đẳng giới, khuôn mẫu giới trong việc nhà, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... các thành viên đã chia thành từng nhóm nhỏ “đi từ ngõ, gõ từng nhà” nói chuyện, chia sẻ thường xuyên, giúp bà con tự nhận thức được vấn đề.

Đơn cử như về việc sinh đẻ tại nhà, trước kia bà con thường nhờ bà đỡ mà không đến cơ sở y tế. Tổ đã chia sẻ, kể chuyện về những trường hợp tự sinh con tại nhà không có cán bộ y tế hỗ trợ khi chuyển dạ, theo dõi và chăm sóc sau sinh bị các nguy hiểm như: băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ và con…

Nhờ vậy, đến nay địa phương không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tự sinh con tại nhà. Thậm chí bà con người DTTS còn có ý thức tìm đến cơ sở y tế tốt để được hỗ trợ sinh sản.

Còn tại thị trấn Liên Sơn, với phương thức tuyên truyền đa dạng, ba tổ TTCĐ hoạt động dần giúp bà con DTTS từ bỏ những lối sống lạc hậu. Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Liên Sơn H Loang Hđơk cho hay, đội ngũ tham gia tổ TTCĐ là bí thư chi bộ, trưởng buôn, cán bộ hội, đoàn thể, già làng… trực tiếp sâu sát với dân nên hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ, dễ tuyên truyền thay đổi lối sống, cách suy nghĩ, làm việc. Ngoài thường xuyên tuyên truyền thông qua các cuộc họp buôn, tổ còn cập nhật tài liệu, sách, báo để nâng cao kiến thức phổ biến; tìm những câu chuyện, ví dụ điển hình có thật kể cho bà con nghe để thay đổi nhận thức của họ.

Phụ nữ buôn Yuk (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) được Tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình.

Đơn cử như từ lâu, phong tục của người M’nông là chế độ mẫu hệ nên phụ nữ gánh vác, làm trụ cột của gia đình, đàn ông có đi làm nhưng chỉ để phục vụ bản thân. Thông qua câu chuyện "Nhà hai nóc" và các tài liệu về bình đẳng giới của Hội LHPN huyện hỗ trợ, Tổ TTCĐ buôn Dơng Riêng đã cập nhật, đến từng hộ dân để chia sẻ lại cho họ hiểu nhằm thay đổi định kiến và khuôn mẫu giới. Dần dà, người dân đã thay đổi nhận thức, vợ chồng cùng sẻ chia công việc, chăm chỉ phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm khoảng 25% so với năm 2023.

Chị H’Loen Kbuôr (buôn Dơng Riêng, thị trấn Liên Sơn) bày tỏ: "Nhiều lần được cán bộ địa phương đến tuyên truyền nên chồng tôi đã thay đổi nhận thức. Bây giờ, chồng tôi tự làm những công việc nặng nhọc, chăm chỉ phát triển kinh tế gia đình. Tôi còn được chồng ưu tiên làm việc phù hợp với sức khỏe như nội trợ, trông con, chăm sóc vườn rau…".

Chủ tịch Hội LHPN huyện Lắk Nguyễn Thị Bích khẳng định, mô hình "Tổ TTCĐ" là một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn I (2021 - 2025).

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình nói riêng và Dự án 8 nói chung, thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tập trung phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em; tổ chức các hội thi, liên hoan chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình sáng tạo, hiệu quả, góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em; chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ người DTTS…

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc