Multimedia Đọc Báo in

Mô hình “Hũ gạo tình thương”: Lan tỏa những nghĩa cử đẹp

08:28, 08/08/2024

Với từ tinh thần "tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách", mô hình “Hũ gạo tình thương” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn huyện Lắk đã lan tỏa rộng khắp, qua đó giúp đỡ hàng trăm hội viên và trẻ em mồ côi vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Huyện Lắk là địa phương có diện tích trồng lúa nước tương đối lớn nên hệ thống nhà máy xay xát gạo phân bố đều ở các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Từ thực tế đó, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện đã chọn các điểm đặt “Hũ gạo tình thương” ở các nhà máy xay xát để thuận lợi trong việc quyên góp gạo.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Lắk Nguyễn Thị Bích (bìa phải) cùng Hội LHPN xã Buôn Tría trao gạo cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2020, mô hình “Hũ gạo tình thương” đầu tiên được Hội LHPN thị trấn Liên Sơn tổ chức ra mắt tại buôn Lê và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều hội viên. Với phương châm “góp gió thành bão”, mỗi người dân khi xay xát gạo đều để lại một phần nhỏ vào “Hũ gạo tình thương”, cứ thế hũ gạo ngày một đầy thêm. Đều đặn hằng tháng, các chị em hội viên, người dân, các nhà hảo tâm, ai có gạo thì ủng hộ gạo, ai có tiền thì ủng hộ tiền. Sau đó, các chi hội tiến hành gom số gạo từ các gia đình, số tiền nhận được quy đổi mua gạo giúp đỡ những trường hợp có hoàn khó khăn.

Mô hình này nhanh chóng lan tỏa đến các địa phương khác trên địa bàn huyện. Đến nay, mô hình đã được Hội LHPN các xã như Nam Ka, Buôn Tría, Buôn Triết và Đắk Liêng triển khai, hưởng ứng.

Chủ tịch Hội LHPN xã Buôn Tría H'Lum Sruê cho hay, Hội có 8 chi hội với hơn 1.000 hội viên. Việc ra mắt mô hình “Hũ gạo tình thương” được đông đảo hội viên, người dân hưởng ứng nhiệt tình. Sau hơn một năm ra mắt mô hình tại buôn Tría đã có khoảng 10 hội viên được giúp đỡ, tổng số gạo do hội viên, người dân đóng góp khoảng 80 kg. Là một trong những trường hợp được hỗ trợ từ mô hình “Hũ gạo tình thương”, chị H'Căm Hving, ở buôn Tría, xã Buôn Tría chia sẻ, trong lúc gia đình gặp khó khăn, nhất là vào thời điểm giáp hạt, được hỗ trợ một phần gạo từ sự đóng góp của chị em phụ nữ và người dân, chị cảm thấy rất ấm lòng.

Hội viên phụ nữ xã Đắk Liêng góp gạo cho Mô hình "Hũ gạo tình thương".

Xuất phát từ tấm lòng hảo tâm và tinh thần “tương thân tương ái”, mô hình “Hũ gạo tình thương” được đông đảo các hội viên, người dân trên địa bàn xã Đắk Liêng hưởng ứng. Sau hơn một năm triển khai, đến nay toàn xã đã có 9 mô hình hũ gạo được triển khai ở các thôn, buôn. Bà Nguyễn Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Liêng cho biết, Hội đã triển khai về các chi hội ở các thôn, buôn trên địa bàn về ý nghĩa thiết thực của mô hình. Nhờ kiên trì tuyên truyền, tích cực vận động nên nhiều chị em, người dân tự nguyện tham gia. Qua đó, hàng chục trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi đã được hỗ trợ gạo.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Lắk Nguyễn Thị Bích khẳng định, mô hình “Hũ gạo tình thương” được các cấp hội trên địa bàn huyện triển khai đã và đang mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Đây không chỉ là hoạt động hỗ trợ về mặt vật chất mà còn là mô hình hiệu quả, giàu ý nghĩa, chứa đựng nghĩa cử cao đẹp, tiếp thêm niềm tin cho những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Mặt khác, mô hình lan tỏa rộng khắp đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của chị em phụ nữ dành cho những người khó khăn, neo đơn. Kết quả đáng mừng, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã duy trì 33 mô hình "Hũ gạo tình thương", giúp được trên 200 hộ hội viên và 11 trẻ em mô côi, với tổng số gần 2.600 kg gạo và gần 140 triệu đồng tiền mặt.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.