Những mảnh ghép nhân ái
Mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau nhưng gặp nhau ở tấm lòng nhân ái - họ trở thành cầu nối đến với các mảnh đời khó khăn, kém may mắn, lan truyền thông điệp đẹp về lòng nhân ái.
"Nồi cháo yêu thương"
Hơn 10 năm qua, đều đặn mỗi tuần hai ngày (thứ bảy và chủ nhật), nồi cháo yêu thương của “Bếp cháo xã Hòa Thắng” lại được chuyển tới căn tin Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Để những suất cháo thơm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trao đến tay bệnh nhân khó khăn, từ 5 giờ sáng, một số thành viên của bếp đã đi chợ để lựa chọn mua nguyên liệu. Và đến khoảng 7 giờ sáng, các thành viên tập trung đến gia đình chị Nguyễn Thị Trang (ở thôn 3) - Trưởng nhóm “Bếp cháo xã Hòa Thắng” để chuẩn bị cho "nồi cháo yêu thương". Không ai bảo ai, người ngâm gạo, người ướp thịt, thái rau, củ, ngâm hạt sen…
Trẻ em buôn Chàm, xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) cùng các tình nguyện viên chương trình “Nấu ăn cho em” làm công trình vui chơi. |
Chị Hà Thị Đú, dân tộc Thái (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) có con gái 7 tuổi bị bệnh tan máu bẩm sinh. Hơn hai năm nay, đều đặn ba tháng một lần chị lại đưa con đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để truyền máu. Và lần nào nhập viện, hai mẹ con chị cũng nhận được những suất cháo tình thương từ "Bếp cháo xã Hòa Thắng". Chị Đú xúc động nói: “Nhà ở xa, kinh tế khó khăn, số tiền dành dụm ít ỏi từ làm thuê, làm mướn khó trang trải đủ sinh hoạt cho hai mẹ con trong những ngày nhập viện. May mắn nhận được tấm lòng thảo thơm từ các cô chú ở "Bếp cháo xã Hòa Thắng", hai mẹ con được ấm lòng".
Kinh phí duy trì nồi cháo với khoảng 250 - 300 suất/lần được 15 thành viên nòng cốt trong nhóm thiện nguyện đóng góp, và còn nhận được sự hỗ trợ gạo, rau củ, nhu yếu phẩm, vật dụng nhà bếp và gắn kết thêm thành viên tham gia phục vụ. Thiếu tá Nguyễn Trần Hải, Phó Trưởng Công an xã Hòa Thắng cho hay: "Dù công việc bận rộn nhưng thấy việc làm của các cô chú ở bếp cháo ý nghĩa nên mỗi khi rảnh rỗi gia đình tôi lại tham gia, đóng góp kinh phí để nấu cháo giúp đỡ bệnh nhân nghèo".
"Nấu ăn cho em"
Từ tháng 3/2023 cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, đóng góp từ anh em tình nguyện viên, chương trình “Nấu ăn cho em” đã đem yêu thương, cùng những món quà thiết thực đến với trẻ em nghèo ở nhiều buôn làng trong tỉnh.
Những suất cháo của “Bếp cháo xã Hòa Thắng" được trao tận tay bệnh nhân nghèo, khó khăn tại Bệnh viên Đa khoa Vùng Tây Nguyên. |
Anh Trần Đình Thao, 29 tuổi (ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) - một trong những người sáng lập chương trình chia sẻ: "Bằng tất cả tấm lòng, chúng tôi mong muốn chia sẻ khó khăn với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Càng đi nhiều, chúng tôi càng mong muốn đóng góp thêm công sức, vật chất nhằm giúp các em có bữa ăn ngon".
Tình nguyện viên tham gia chương trình chủ yếu là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ban đầu chỉ có khoảng 30 tình nguyện viên nhưng đến nay đã có hơn 80 người tham gia. “Mỗi lần tham gia, em đóng góp 150 nghìn đồng từ tiền dạy kèm. Số tiền mình đóng góp không nhiều nhưng đến nơi thấy các em ùa ra chào đón, sau đó ăn uống rất ngon, em thấy mình đã làm được một việc ý nghĩa”, sinh viên năm 2 Phạm Thị Kim Kiều của Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên hồ hởi.
Không chỉ nấu cháo, các tình nguyện viên còn tận dụng những đồ dùng cũ để làm xích đu, cầu trượt, trao tủ sách giáo khoa, sách kỹ năng sống, dụng cụ học tập cho các học sinh ở vùng xa; tham gia hiến máu nhân đạo, bảo trợ trẻ em, người tàn tật trên địa bàn tỉnh.
Với tâm niệm “hạnh phúc chính là sự sẻ chia”, những tình nguyện viên các chương trình thiện nguyện đã và đang âm thầm góp một phần nhỏ công sức của mình để làm cầu nối yêu thương, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Kim Huế
Ý kiến bạn đọc