Multimedia Đọc Báo in

Tình rừng

09:08, 27/08/2024

Mấy chục năm lội rừng với nhiều học giả, du khách và người dân bản địa, tôi càng thấm thía cái tình quý báu của rừng…

1. Tại một hội thảo, tiến sĩ Park Chaewon - một nhà khoa học đến từ Hàn Quốc từng nhận định rằng, rừng Tây Nguyên là một trong những khu vực rất đa dạng và phong phú về các loài thảo dược quý ở khu vực Đông Nam Á.

Đây là lý do hàng chục năm nay, các nhà khoa học từ nhiều quốc gia đến rừng Tây Nguyên thực hiện những dự án nghiên cứu về rừng nhiệt đới. Những cánh rừng lá rộng thường xanh, những cánh rừng lá kim, những cánh rừng hỗn giao… Nhiều kết quả nghiên cứu đã được công bố, và người ta cũng biết có một sự di thực ngầm bất khả kháng về một số loài thảo dược quý rời biên giới Việt Nam bằng con đường không chính danh.

Cây thông hai lá dẹt khoảng 1.000 tuổi.

Tôi nhớ đến già làng, nghệ nhân Ja Ba (dân tộc Raglai) ở mạn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, giáp huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận với vốn tri thức vô cùng phong phú về các loại thảo dược của rừng (giờ thì ông đã khuất núi Ya Hoa, về với đất Mẹ đại ngàn).

Ngày ấy, khi băng suối, men triền dốc đá, tôi và tiến sĩ Lương Văn Dũng được ông chỉ cho từng loài thực vật mà bà con trong buôn sử dụng làm thuốc chữa các bệnh tật và làm thực phẩm.

Sau chuyến đi ấy cùng nhiều lần tiếp xúc với bà con ở nhiều vùng khác nữa, tiến sĩ phân loài Lương Văn Dũng có bộ sưu tập khá đồ sộ về các loài thảo dược. Trong một báo cáo khoa học, anh đã nêu Việt Nam có 678 loài cây thuốc và vị thuốc có nguồn gốc thực vật, bao gồm nhóm cây ngăn ngừa bệnh ung thư; nhóm cây chữa bệnh tim mạch, mỡ máu; nhóm cây chữa bệnh tiểu đường; nhóm cây kháng khuẩn; nhóm cây chữa bệnh rối loạn tiêu hóa và bào tử; nhóm cây chữa bệnh khớp; nhóm cây thuốc bổ… Mỗi thực vật ghi nhận được định danh bằng danh pháp, gồm tên chi và tên loài.

Giá trị đồng thời ở nhiều thực vật còn là tài nguyên làm thực phẩm. Cũng trong một công bố khoa học khác của tiến sĩ Lương Văn Dũng, riêng tại địa bàn Nam Tây Nguyên, có 117 loài thuộc 66 họ thực vật bậc cao.

Mỗi thực vật, ngoài tên khoa học, họ thực vật, còn kèm theo tên phổ thông và tên gọi của đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực ghi nhận. Dẫn một số tên phổ thông và phương ngữ như: Cà đắng, cà ấn (Prền); Lá bép, lá nhíp (Biap sê, Biap kon sê); Bướm bạc Biên Hòa (R’má); Chân danh (Nha tiép ma, Biap scôt); Chiếc ít hoa, cam lang (Nha lơ bor); Chòi mòi (Snrèt); Đinh là bẹ (Tmoh tơ dạ); Gối hạc tía (Chơng, Jòng krông); Gừng đỏ (Pruh lềnh); Ngải tiên vàng (Pruh lạch); Nghệ rừng (Nha ba, Cal ngai); Ô rô trắng, rau bẩn (R’pơr); Quắn hoa (Chi ngôm); Sả rừng, ngọc lan sả (Plăng glai); Đu đủ rừng, sâm đu đủ, nhật phiến (Plé R’tú); Trôm, bọt ngọt (R’nhàu); Dưa núi (Plai kho)…

2. Đại ngàn muôn màu, bao hàm ý nghĩa về biểu tượng và cả nghĩa đen. Trong nhiều dịp tiếp xúc với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, chúng tôi càng hiểu phần nào làm nên sự lung linh, không gian huyền ảo muôn chiều kích của tấm thổ cẩm là các màu thực vật.

Từ nhiều bộ phận của cây: lá, thân, vỏ, củ, quả, hoa…, đồng bào đã làm nên nhiều gam màu dù không sặc sỡ như màu công nghiệp nhưng an toàn về sức khỏe đối với người sử dụng tấm vải.

Thân thiện và gần gũi được rừng gửi gắm. Lá chàm bụi hay chàm muồng (T’rum), lá dây chàm (T’rum mêl) cho ra màu chàm. Cây chuối rừng, lá và vỏ dẻ trắng, lá hồng sim, vỏ thân me rừng, lá sòi trắng, quả thị Hayata cho ra màu đen… Lá diễn, vỏ thân gang núi, lá hợp hoan, quả mâm xôi, rễ vấn vương… cho ra màu đỏ. Vỏ thân lim xẹt, củ từ lá quế hay củ từ ngược mùa cho ra màu nâu...

Các loại quả hương bài, mua bảy gân cho ra màu tím… Các loại gỗ hoàng đằng, hoàng liên ô rô hay rễ mặt quỷ, vỏ thân núc nác cho ra màu vàng… Lá các cây bạch đồng nữ, chít, xoài rừng cho ra màu xanh lá…

Già làng Ja Ba giới thiệu về một loài thảo dược.

3. Bao vùng đất chúng tôi đi qua, tình rừng dấu yêu được truyền cảm hứng từ những chủ nhân văn hóa rừng. Đó là già làng K’Lú, K’Yoan dân tộc Mạ, già làng Điểu Chá, Điểu Giang dân tộc S’Tiêng, già làng Touneh Hiem dân tộc Churu, nghệ nhân Bon niêng Ka Glòng, nghệ nhân Rơông Ka Măng, hướng dẫn viên du lịch K’Tuấn, K’Liên dân tộc K’Ho, nghệ nhân H’Min dân tộc Êđê, già làng A Tuân dân tộc Xê đăng, già làng A Huấn dân tộc Ca Dong… Tình rừng tình người quyện thắm trong tính thiêng. Tôi được hòa vào độ lượng của thiên nhiên. Và bất chợt đâu đó cảm nhận cả nỗi nhớ rừng đau đáu nơi mỗi con người.

Những người dân sống trong rừng, sống quanh rừng luôn đặt hồn vía vào Mẹ thiên nhiên. Mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và họ còn tham gia bảo vệ rừng. Những quần thể thông hai lá dẹt (Pinus krempfii), thông đỏ (Taxus wallichiana)… có độ tuổi nhiều trăm năm; những loài trà mi (Camellia) quý hiếm và đặc hữu; những loài động vật thuộc Sách Đỏ… Tất cả đều dễ tổn thương, nguy hiểm luôn rình rập.

Trà cành dẹt (Camellia inusitata) - loài đặc hữu Nam Tây Nguyên.

Tôi nhớ anh Shideo Miyoshi, du khách người Nhật Bản khi được ngắm được sờ vào thân cây thông hai lá dẹt có tuổi khoảng 1.000 năm đã thốt lên: “Cây thông này đẹp và lạ quá! Ở Nhật không có và cũng là lần đầu tiên tôi được gặp trong đời”. Tôi cũng nhớ đến đánh giá của các giáo sư - những nhà khoa học cổ khí hậu hàng đầu thế giới đến từ Viện Đại học Columbia, Hoa Kỳ trong một lần khảo cứu rừng Tây Nguyên. Thông qua vòng đời của cây, họ nhận xét: “Khu vực này có nhiều loài thực vật của rừng nguyên sinh đã giúp chúng tôi ghi nhận khoa học về khí hậu từ 4.500 năm trước ở khu vực Đông Nam Á”…

Rừng quý giá như thế. Tình rừng mênh mang như thế. Và những ai được làm khách du lịch với rừng, xin nằm lòng câu nói: “Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”. Khi được đặt mỗi bàn chân lên thảm thực vật, xin tĩnh tâm để lắng nghe âm thanh đồng vọng của đại ngàn.

Minh Đạo


Ý kiến bạn đọc